I. Biến chứng của bệnh đái tháo đường: Bệnh đái tháo đường được coi là “kẻ giết người thầm lặng” với nhiều biến chứng cực kì nguy hiểm:
1. Bệnh võng mạc đái tháo đường là nguyên nhân phổ biến gây mù lòa ở người bệnh tiểu đường
2. Bệnh thận đái tháo đường gây biến chứng suy thận mạn
3. Bệnh thần kinh đái tháo đường: bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh thần kinh tự chủ, bệnh đơn dây thần kinh, bệnh đám rối- rễ thần kinh
4. Biến chứng mạch máu do xơ vữa động mạch: tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim, hoại tử chi, loét chân...
5. Đái tháo đường ảnh hưởng đến tất cả các thành phần của cơ quan vận động gây teo cơ, loãng xương, hội chứng ống cổ tay, viêm dính khớp vai,..
6. Biến chứng bàn chân đái tháo đường: tình trạng nhiễm trùng, loét, hoại tử bàn chân…
7. Các biến chứng cấp tính: hôn mê tăng áp lực thẩm thấu, nhiễm toan ceton, hạ đường huyết...
8. Các biến chứng nhãn khoa khác: đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, bệnh thần kinh thị giác...
9. Biến chứng da: nấm da, loét chi dưới, bạch biến...
10. Các vấn đề sức khỏe tâm thần: trầm cảm, sa sút trí tuệ...
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân tiểu đường bị ảnh hưởng chủ yếu bởi sự hiện diện của các biến chứng chứ không phải bản thân bệnh tiểu đường. Trong đó bệnh thần kinh ngoại biên có liên quan đến suy giảm chất lượng cuộc sống nhiều nhất (1). Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng bệnh nhân đái tháo đường có điểm chất lượng cuộc sống thấp. Bệnh đái tháo đường không kiểm soát có tương quan với suy giảm sức khỏe thể chất và tinh thần. Thêm vào đó, yếu tố trầm cảm và phụ nữ được xác định là những yếu tố góp phần góp phần thúc đẩy sự suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh tiểu đường (2).
Như vậy, đái tháo đường tác động đến nhiều mặt của cơ thể, gây giảm khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.
II. Hoạt động thể lực – liệu pháp không thể thiếu đối với người bệnh tiểu đường
Người bệnh đái tháo đường cần kiểm soát đường máu bằng thuốc, chế độ ăn uống và hoạt động thể lực phù hợp. Theo Hiệp Hội Đái Tháo Đường Hoa Kỳ: “Việc áp dụng và duy trì hoạt động thể chất là trọng tâm để quản lý chỉ số đường huyết và sức khỏe tổng quát ở người mắc tiểu đường và tiền tiểu đường”(3). Việc tập luyện thể dục đã được chứng minh có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và kiểm soát căn bệnh chết người này:
- Tác dụng sớm nhất của luyện tập thể dục là giúp giảm đường huyết, lâu dài giúp giảm cân, giảm mỡ bụng, nhờ vậy giảm tình trạng kháng với insulin. Như chúng ta đều biết, insulin là hormon duy nhất của cơ thể có tác dụng làm hạ đường máu. Khi chúng ta tập thể thao, các tế bào cơ thể sử dụng insulin tốt hơn và hiệu quả hơn, nhờ vậy hấp thu glucose từ máu để sử dụng làm năng lượng cho cơ thể. Đồng thời, việc tập luyện thể dục sẽ kích thích cơ bắp hấp thụ và sử dụng glucose máu tạo ra năng lượng. Trên người bệnh đái tháo đường typ 2, tập luyện thường xuyên giúp là giảm chỉ số đường máu trung bình 3 tháng (HbA1c), giảm mỡ máu, giảm huyết áp.
- Tập luyện không những giúp kiểm soát bệnh mà còn giảm đáng kể các biến chứng của bệnh tiểu đường phải kể tới như bệnh thần kinh tiểu đường, bệnh võng mạc đái tháo đường, loét do tiểu đường, biến chứng tim mạch và đột quỵ não. Việc tập luyện thường xuyên làm tăng mật độ mao mạch cơ, tăng quá trình oxy hóa, tăng chuyển hóa lipoprotein(4).
- Các nghiên cứu đều cho thấy rằng lối sống tĩnh tại, ít vận động làm tăng tỷ lệ tử vong và nguy cơ bệnh tật. Với mỗi 150 -175 phút tập luyện mỗi tuần cùng với chế độ ăn uống khoa học nhằm giảm 5%- 7% cân nặng giúp giảm 40-70% tỷ lệ mắc tiểu đường ở người bệnh có nguy cơ cao và người bệnh tiền tiểu đường (5).
- Các bài tập duy trì tầm vận động khớp đóng vai trò quan trọng đối với người cao tuổi mắc tiểu đường. Quá trình thoái hóa khớp tự nhiên bị diễn tiến nhanh hơn bởi tình trạng tăng đường huyết. Các khớp bị đau, hạn chế vận động trong bệnh cảnh của viêm quanh khớp vai, ngón tay lò xo, hội chứng De Quervain…cần chương trình tập luyện phù hợp bên cạnh vật lý trị liệu giảm đau, chống viêm.
- Người cao tuổi mắc đái tháo đường có nguy cơ ngã cao, do tình trạng rối loạn thăng bằng, nhiều bệnh đồng mắc, trầm cảm và tác dụng không mong muốn do dùng nhiều thuốc. Tập luyện thể dục giúp cải thiện dáng đi và thăng bằng, giúp giảm nguy cơ té ngã ngay cả khi có bệnh lý thần kinh ngoại biên. Tập luyện thể dục giúp tăng sức bền tim mạch, cải thiện khối lượng cơ, mật độ xương.
III. Chế độ tập luyện phù hợp cho bệnh nhân đái tháo đường
Các khuyến nghị về hoạt động thể lực khác nhau tùy loại bệnh tiểu đường, tùy từng cá thể. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo nên duy trì các bài tập có sự chuyển động lặp đi lặp lại và liên tục của các nhóm cơ lớn như Aerobic. Các hoạt động như đi bộ, đạp xe, chạy bộ và bơi lội rất được nhiều chuyên gia đánh giá cao. Không chỉ vậy, các bài tập kháng trở giúp tăng cường sức mạnh cơ như tập với tạ tự do, máy tập tạ, dây kháng lực đàn hồi cũng được đánh giá cao. Các bài tập thăng bằng cải thiện tư thế, dáng đi và phòng té ngã cho người bệnh. Tập Yoga hay thái cực quyền vừa giúp tăng cường sức mạnh cơ, sự dẻo dai và khả năng thăng bằng (3).
Lời khuyên từ các chuyên gia
- Mỗi tuần cần ít nhất hai tiếng rưỡi hoạt động với cường độ trung bình đến mạnh như đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu, bơi lội hay chạy bộ.
- Tập có kháng trở hai đến ba buổi mỗi tuần giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, tối thiểu 75 phút/tuần và vào những ngày không liên tục: tập tạ, chống đẩy...
- Không nên để quá hai ngày liên tiếp mà không có bất kì hoạt động thể chất nào.
- Không nên ngồi lâu liên tục quá 30 phút trong ngày.
- Đối với người cao tuổi mắc tiểu đường cần duy trì các bài tập thăng bằng và bài tập rèn tính linh hoạt 2-3 buổi/mỗi tuần: yoga, thái cực quyền…
- Người mắc tiền tiểu đường khuyến khích tăng cường hoạt động hàng ngày
- Mỗi cá nhân nên lựa chọn một hình thức tập luyện phù hợp với sở thích, thói quen của mỗi người, đảm bảo có thể duy trì việc tập luyên đều đặn và lâu dài.
Lưu ý khi tập luyện cho người đái tháo đường
- Không nên tập luyện khi đang đói…, ghi nhớ những triệu chứng của hạ đường huyết (chóng mặt, vã mồ hôi lạnh, nhức đầu, run tay, đánh trống ngực…) để dừng tập kịp thời. Cần chuẩn bị kẹo, nước trái cây…để sử dụng khi bị hạ đường huyết lúc tập.
- Tập luyện nơi thoáng mát với trang phục và giày thể thao phù hợp, tránh chấn thương khi luyện tập.
- Có thể phối hợp nhiều bài tập để đảm bảo tối thiểu tập luyện 30 phút mỗi ngày, 5 buổi mỗi tuần. Với người mới tập thì tăng dần thời gian và cường độ tập bắt đầu từ 5-10 phút mỗi ngày.
Một số bài tập phù hợp cho người bệnh đái tháo đường
1. Đi bộ
Đây là bộ môn thể thao được nhiều chuyên gia khuyến khích vì giúp cải thiện sức khỏe cho người cao tuổi nói chung, người mắc tiểu đường nói riêng. Đi bộ rất có lợi cho sức khỏe tim mạch. Chúng ta có thể đi bộ ở công viên hoặc sử dụng máy chạy bộ đa năng tại nhà 30 phút mỗi ngày để có cơ thể dẻo dai, tràn đầy năng lượng, và đặc biệt giúp kiểm soát tốt đường huyết.
2. Yoga
Yoga là bộ môn thể thao rèn luyện sự bền bỉ, giúp giảm stress rất hiệu quả. Người đái tháo đường lựa chọn tập luyện yoga rất phù hợp, bởi khi giảm căng thẳng thì lượng đường trong máu cũng giảm và ổn định. Yoga giúp cơ thể dẻo dai, ngăn ngừa bệnh tim, đột quỵ, có thể loại bỏ chứng đau lưng rất hiệu quả. Đồng thời, yoga cũng giúp giảm bớt các triệu chứng trầm cảm ở người lớn tuổi mắc bệnh tiểu đường type 2.
3. Bơi lội
Đây là bộ môn thể thao lý tưởng giúp giảm cân cho người bị đái tháo đường, đồng thời tốt cho các khớp. Cơ thể được nâng đỡ trong môi trường nước sẽ giảm cảm giác căng cơ hơn so với đi bộ hay chạy bộ. Người cao tuổi nên bơi chậm trong thời gian ngắn. Nước sẽ tác động trực tiếp đến cơ thể, giúp lưu thông khí huyết, giảm đau cơ. Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo rằng biến chứng bàn chân ở người đái tháo đường gây mất cảm giác ở bàn chân, do đó có thể mua giày đi nước để bảo vệ bàn chân khi trong hồ bơi
4. Đạp xe
Đi xe đạp giống như một hình thức thể dục nhịp điệu giúp tim và phổi hoạt động tốt hơn, đốt cháy calo hiệu quả. Theo nghiên cứu, chỉ cần đạp xe vài lần mỗi tuần như một phương thức di chuyển thông thường sẽ giúp giảm nguy cơ béo phì, tăng huyết áp. Khi đạp xe giúp giảm tải lực lên gối, giúp đỡ đau gối do thoái hóa- bệnh lý khá thường gặp ở người cao tuổi mắc đái tháo đường. Đạp xe giúp tăng sức mạnh nhóm cơ chi dưới, cải thiện khả năng thăng bằng nên giảm nguy cơ té ngã vốn là vấn đề đáng lo ở bệnh nhân tiểu đường.
5. Thái cực quyền
Ở môn thể thao này người tập thông qua một loạt các chuyển động uyển chuyển, chậm rãi, kết hợp hít thở sâu. Phân tích tổng hợp trên tạp chí Nghiên cứu bệnh đái tháo đường đã chỉ ra rằng thái cực quyền rất hiệu quả trong việc kiểm soát đường huyết và HbA1C ở người bị đái tháo đường type 2. Không những vậy, môn này còn giúp mang lại sức khỏe tốt và giúp giải tỏa căng thẳng, giảm tổn thương thần kinh do bệnh đái tháo đường, cải thiện thăng bằng cho người tập.
6. Dưỡng sinh
Các bài tập thể dục dưỡng sinh với động tác nhẹ nhàng giúp tăng tính linh hoạt, dẻo dai, giúp ngủ ngon, tăng cường sản xuất hormon endorphin để giảm căng thẳng hiệu quả. Môn này rất thích hợp cho người cao tuổi nói chung, người đái tháo đường mà khả năng gắng sức bị hạn chế nói riêng. Dưỡng sinh giúp tăng cường sức mạnh toàn thân, ngăn ngừa các bệnh mạn tính. Dưỡng sinh tăng khả năng phối hợp giữa tay và chân, kết hợp giữa các động tác đứng, ngồi, nằm…nên phòng ngừa té ngã hiệu quả cho người bệnh tiểu đường.
7. Khiêu vũ
Ngày nay khiêu vũ đang dần trở thành một hoạt động thể dục được nhiều người cao tuổi yêu thích. Khiêu vũ gồm cả loại hình tiết tấu chậm và loại nhịp độ nhanh nên phù hợp với nhiều đối tượng đặc biệt người đái tháo đường không phụ thuộc insulin. Môn thể thao này giúp đốt cháy đường và chất béo, giúp hạ huyết áp, giảm cân, tăng sức mạnh cơ bắp, tăng hiệu suất của tim và mạch máu, giảm nguy cơ té ngã. Khiêu vũ giúp tăng thêm niềm vui, để người bệnh hòa nhập với cộng đồng, tránh trầm cảm.
8. Tập gym
Tập gym giúp làm tăng khối lượng cơ bắp của cơ thể và giúp tiêu hao năng lượng đáng kể, giúp hạ đường máu nhanh và đáng kể. Các bài tập với cường độ vừa phải tại phòng tập, lý tưởng nhất là cần có huấn luyện viên chuyên nghiệp. Không nên cố tập liên tục mà nên xen kẽ tập một ngày và nghỉ một ngày để cơ bắp có thời gian phục hồi, đồng thời xem xét tình trạng cơ thể để chọn một chế độ thể hình hợp lý.
Tài liệu tham khảo:
3.https://diabetesjournals.org/care/article/39/11/2065/37249/Physical-Activity-Exercise-and-Diabetes-A-Position