Kỷ cương - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Tận tâm

TRIỆU CHỨNG VẬN ĐỘNG Ở BỆNH NHÂN PARKINSON

Ths. Hoàng Mai Phương

Bệnh Parkinson được xếp vào nhóm bệnh lý thoái hóa thần kinh. Bệnh được James Parkinson mô tả đầu tiên năm 1817 và được gọi là “liệt rung”. Bệnh do thoái hóa các tế bào thần kinh ở đường dẫn truyền liềm đen-thể vân, dẫn đến giảm dopamine của hệ thần kinh trung ương. Triệu chứng đặc trưng của bệnh thường chia thành hai nhóm: triệu chứng vận động và ngoài vận động. Trong đó, các triệu chứng vận động bao gồm run khi nghỉ, giảm động, cứng cơ kiểu ngoại tháp và mất ổn định tư thế. Những triệu chứng này có vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán và theo dõi tiến triển của bệnh, vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận độngn và thực hiện các hoạt động hàng ngày của người bệnh, làm suy giảm chất lượng cuộc sống và khiến họ phụ thuộc nhiều hơn vào sự hỗ trợ từ gia đình và xã hội.

           1. Giảm động (bradykinesia)

Là triệu chứng chính, xuất hiện trong giai đoạn đầu ở 80% bệnh nhân Parkinson. Đây là nguyên nhân chính gây tàn tật ở bệnh nhân Parkinson.

Ở tay, giảm động thường bắt đầu ở ngọn chi với việc giảm khả năng thực hiện các động tác khéo léo của ngón tay. Bệnh nhân thường khó thực hiện tác động tác hàng ngày như cài cúc áo, buộc dây giày, đánh máy, giảm đung đưa tay khi đi lại…

Ở chân, các than phiền của bệnh nhân liên quan đến triệu chứng giảm động như: bước chân ngắn, như kéo lê trên sàn, bước chân không vững, khó khăn khi đứng lên khỏi ghế hay ra khỏi xe hơi.

Trong giai đoạn đầu của bệnh: các động tác như chặp ngón tay, nắm mở bàn tay, sấp ngửa bàn tay, gõ mũi hoặc gót chân trên sàn có thể chậm hoặc giảm biên độ khi bệnh nhân thực hiện trên vài giây. Khi bệnh tiến triển, khả năng phối hợp động tác giảm, bệnh nhân có thể do dự khi thực hiện động tác khám hoặc ngừng lại.

            2. Run khi nghỉ (rest tremor)

Run trong bệnh Parkinson là run khi nghỉ, giảm khi vận động có chủ ý hoặc khi chi ở tư thế có ảnh hưởng của trọng lực (vd: duỗi thẳng cánh tay). Run thường là triệu chứng vận động đầu tiên của bệnh nhân Parkinson.

Run thường khởi đầu bằng run có nhịp ở ngón cái và ngón trỏ, thường được mô tả là run kiểu vấn thuốc do động tác đối hai ngón tay. Run thường bắt đầu ở một bên, sau đó lan ra hai bên vài năm kể từ khi bắt đầu có triệu chứng. Bên bị ảnh hưởng đầu tiên thường có xu hướng bị nặng hơn trong suốt quá trình bệnh. Theo tiến triển bệnh, run có thể lan đến chân, môi, hàm và lưỡi nhưng hiếm khi run đầu. Tần số run từ 4-7Hz, biên độ nhỏ. Run tăng lên khi stress, phấn khích, lo lắng; mất đi khi ngủ.

Trong Parkinson giai đoạn sớm, run thường không liên tục và có thể khó nhận biết. Hơn 50% bệnh nhân Parkinson giai đoạn sớm có cảm giác run bên trong tay chân và cơ thể mà không quan sát được biểu hiện run ra bên ngoài. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, run thường trở nên rõ ràng hơn.

Run là triệu chứng dễ nhận biết và ít gây tàn phế nhất.

Các triệu chứng vận động ở bệnh nhân Parkinson

(Nguồn: Neurology and Sleep Centre)

            3. Cứng cơ kiểu ngoại tháp (rigidity)

Cứng cơ hay tăng trương lực cơ kiểu ngoại tháp là đặc trưng của bệnh Parkinson. Đây là hiện tượng kháng lại vận động thụ động, trong đó kháng lực đồng nhất trong suốt biên độ vận động tại một khớp cụ thể và ảnh hưởng đều nhau đến cả cơ chủ vận và cơ đối vận. Cứng cơ kiểu ngoại tháp còn được mô tả là dấu hiệu bánh xe răng cưa (cogwheel rigidity) vì vận động thụ động bị gián đoạn từng nấc như chuyển động của bánh răng. Điều này ngược với cứng cơ kiểu tháp, trong đó cứng cơ thường rõ nhất khi bắt đầu vận động thụ động (hiện tượng dao nhíp).

Cũng như các triệu chứng run và giảm động, triệu chứng cứng cơ thường bắt đầu ở một bên và cùng phía với bên có triệu chứng run (nếu có). Khi bệnh tiến triển, cứng cơ có thể tiến triển sang cả bên đối diện, và không đối xứng giữa hai bên trong suốt quá trình bệnh.

Cứng cơ làm cho cơ thường xuyên căng và co, khiến cho bệnh nhân cảm thấy đau hay cứng, mỏi, yếu. Sự bất thường trương lực cơ là nguyên nhân gây ra tư thế gập người ở một số bệnh nhân.

 4. Mất ổn định tư thế (postural instability)

Mất ổn định tư thế là sự suy giảm các phản xạ tư thế của hệ thần kinh trung ương, gây ra cảm giác mất thăng bằng và làm cho bệnh nhân dễ bị té ngã. Triệu chứng này thường xuất hiện ở giai đoạn sau của bệnh, nên nếu bệnh nhân có triệu chứng mất ổn định tư thế xuất hiện sớm, cần chẩn đoán phân biệt với các hội chứng Parkinson khác như liệt trên nhân tiến triển, teo đa hệ thống...

Trong các triệu chứng của Parkinson, mất ổn định tư thế là triệu chứng ít đáp ứng với levodopa nhất. Ngoài ra mất ổn định tư thế cùng với rối loạn dáng đi là một trong những nguyên nhân dẫn đến tàn tật ở bệnh nhân Parkinson.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Csaba Váradi. (2020). Clinical Features of Parkinson’s Disease: The Evolution of Critical Symptoms. biology, 9, 103.

2. Christopher G. Goetz, Barbara C. Tilley, Stephanie R. Shaftman, et al. (2008). Movement Disorder Society-Sponsored Revision of the Unified Parkinson’s Disease Rating Scale (MDS-UPDRS): Scale Presentation and Clinimetric Testing Results. Movement Disorders, Vol. 23, No. 15, 2129–2170.

3 Nguyễn Thanh Bình (2023). Bệnh Parkinson và các rối loạn vận động. Nhà xuất bản Y học

4. https://www.apdaparkinson.org/what-is-parkinsons/symptoms/