Kỷ cương - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Tận tâm

MỞ THÔNG DẠ DÀY RA DA QUA NỘI SOI

Dinh dưỡng là một vấn đề vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị cho người bệnh,  đặc biệt là người cao tuổi có nhiều bệnh nền. Mở thông dạ dày ra da qua nội soi (PEG: Percutaneous Endoscopic Gastrostomy) là thủ thuật nội soi can thiệp nhằm nuôi ăn và cung cấp dinh dưỡng dài lâu cho người bệnh mất khả năng nuốt. Kỹ thuật PEG là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, an toàn và hiệu quả, góp phần rút ngắn thời gian nằm viện cũng như giảm chi phí y tế cho người bệnh.

  1. Chỉ định và chống chỉ định mở thông dạ dày ra da qua nội soi (PEG)
  • Chỉ định: được chỉ định cho các trường hợp người bệnh không ăn được bằng đường miệng, cần nuôi ăn qua sonde trên 4 tuần. Gồm:
  • PEG hỗ trợ nuôi ăn trực tiếp vào dạ dày nhằm nâng cao thể trạng cho người bệnh. Bệnh nhân không có khả năng ăn qua đường miệng vì bị u vùng miệng, cổ, họng, ngực, thực quản; gây chèn ép khiến người bệnh không nuốt được.
  • Chỉ định nuôi dưỡng đối với người bệnh dinh dưỡng kém do chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, chấn thương đầu-mặt-cổ, người lớn tuổi có rối loạn tâm thần, người bệnh chán ăn suy dinh dưỡng nặng…
  • Chỉ định nuôi dưỡng qua đường tiêu hóa lâu dài cho các trường hợp ung thư thực quản, miệng, hầu, họng… gây chèn ép khiến người bệnh không thể nuốt (nhưng ống soi vẫn qua được xuống tới dạ dày) hoặc tắc nghẽn cơ học ở đường tiêu hóa trên.
  • Chỉ định nuôi dưỡng tạm thời: Người bệnh hẹp thực quản do bỏng, viêm do xạ trị và sau khi trải qua phẫu thuật lớn ở bụng cần nuôi dưỡng bổ sung.
  • Người bệnh Crohn ở thể nặng, bỏng rộng, hóa trị hay xạ trị.
  • Rò thực quản, đặt sonde mũi dạ dày lâu ngày gây loét.
  • Người bệnh mắc các bệnh lí về sức khoẻ tâm thần gây mất cảm giác thèm ăn và không ăn làm cho bệnh nhân suy dinh dưỡng,

Mở thông dạ dày qua nội soi đường miệng còn được chỉ định thực hiện nhằm giải áp trong những trường hợp:

  • Hội chứng giả tắc ruột
  • Liệt dạ dày do đái tháo đường
  • Bệnh thần kinh cơ
  • Chống chỉ định

Tất cả các trường hợp thành trước dạ dày không áp sát vào thành bụng, như:

  • Cổ chướng: mức độ vừa và nặng
  • Béo phì
  • Gan to (đặc biệt là gan trái), lách to
  • Bệnh nhân đã cắt dạ dày hoặc các phẫu thuật ổ bụng làm thay đổi giải phẫu dạ dày
  • U thực quản, hạ họng: chống chỉ định khi ống soi không qua được và không tiến hành nong được qua nội soi
  • Các bệnh lý thâm nhiễm dạ dày, giãn tĩnh mạch dạ dày
  • Tắc ruột (trừ trường hợp mở dạ dày ra da để giải áp)
  • Bệnh nhân thẩm phân phúc mạc, bệnh lý dạ dày tăng áp cửa
  • Rối loạn đông máu không điều chỉnh được
  1. Quy trình thực hiện

Chuẩn bị

  • Ekip thực hiện: bác sĩ Nội soi, bác sĩ gây mê hồi sức, điều dưỡng/kỹ thuật viên.
  • Phương tiện kỹ thuật: dàn máy nội soi và dây soi, bộ kit mở thông dạ dày ra da qua nội soi; hộp cấp cứu; các dụng cụ và VTTH kèm theo.
  • Người bệnh: Bác sĩ sẽ trao đổi với người bệnh về mục đích, quy trình thực hiện và tai biến có thể xảy ra khi thực hiện mở thông dạ dày qua nội soi đường miệng. Sau khi đồng ý thực hiện thủ thuật, người bệnh sẽ được chỉ định tiến hành những xét nghiệm cần thiết. Ngoài ra, trước khi thực hiện PEG, bệnh nhân cần nhịn ăn tối thiểu 6 giờ; vệ sinh răng miệng; dùng kháng sinh dự phòng; ký biên bản cam đoan đồng ý thực hiện mở thông dạ dày ra da qua nội soi.
  • Hồ sơ bệnh án: cần được chuẩn bị và hoàn thiện đúng theo yêu cầu

Thực hiện

Toàn bộ quá trình thủ thuật được thực hiện theo nguyên tắc vô khuẩn, sẽ được kiểm soát trực tiếp dưới nội soi:

  • Bệnh nhân nằm nghiêng trái hoặc nằm ngửa, bác sĩ nội soi đưa ống soi vào thân vị, kiểm tra thành trước thân vị, xác định điểm mở thông dạ dày.
  • Sát khuẩn thành bụng, gây tê da tại chỗ, rạch da khoảng 0,5cm,
  • Chọc kim luồn qua thành bụng vào dạ dày, đưa Guidewire, rút kim luồn, nong và đặt ống dẫn theo Guidewire, đặt ống PEG qua ống dẫn vào đúng vị trí thăm dò, rút ống dẫn.
  • Khâu da và cố định ống PEG, kiểm tra tại vị trí chân sonde ở phía trong dạ dày và mặt ngoài da. Vệ sinh vết mổ, băng ép tại vị trí chân sonde và rút máy nội soi.

Thủ thuật diễn ra khoảng 10 – 15 phút.

Theo dõi sau thủ thuật

  • Theo dõi các biến chứng sau thủ thuật
  • Bắt đầu nuôi ăn 8-24 giờ sau thủ thuật.
  • Thay băng, rửa vết thương hằng ngày.
  • Ống nuôi ăn có thể sử dụng từ 6-12 tháng, nếu có chỉ định tiếp tục nuôi ăn thì thay ống nuôi ăn mới.
  1. Ưu và nhược điểm

Ưu điểm:

  • Phương pháp đơn giản, an toàn, ít xuất hiện biến chứng
  • Bác sĩ có thể thực hiện PEG ngay tại giường bệnh hay ở phòng nội soi
  • Bộ dụng cụ thực hiện đơn giản, chi phí hợp lý
  • Thời gian nằm viện ngắn hơn so với phẫu thuật
  • Giảm thiểu can thiệp xâm lấn ngoại khoa
  • Giảm thiểu nguy cơ xuất hiện biến chứng

Rủi ro và biến chứng

Một số rất ít người bệnh có thể xuất hiện các rủi ro như:

  • Nhiễm trùng: nhiễm trùng vết mổ, thành bụng, viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết. Do đó tất cả bệnh nhân cần phải cho kháng sinh dự phòng trước thủ thuật, đảm bảo quy tắc vô khuẩn trong quá trình thực hiện thủ thuật.
  • Chảy máu: cần kiểm tra đánh giá nội soi sau khi đặt ống, điều chỉnh các rối loạn đông máu trước thủ thuật.
  • Di lệch ống hoặc tuột ống ra ngoài nuôi ăn: thường do kéo căng quá mức hoặc bệnh nhân kéo ống.
  • Viêm phổi hít: do bơm quá nhiều trong mỗi lần, hoặc do hiện tượng không dung nạp ống nuôi ăn. Xử trí bằng cách giảm lượng dịch bơm nuôi ăn cho mỗi lần bơm, nằm đầu cao khi bơm qua ống cho đến 1 giờ sau bơm thức ăn. Nếu các biện pháp trên thất bại thì tiến hành PEG-J.

     

 

  1. Kinh nghiệm, hiệu quả của thủ thuật

Từ năm 2015 đến 2024  ekip của bệnh viện Lão khoa trung ương đã thực hiện hơn 500 bệnh nhân. Tất cả các trường hợp được thực hiện đều thành công, hiệu quả trong việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân; không có trường hợp nào bị rủi ro hay biến chứng nặng nề.

       

Để đặt lịch thăm khám bệnh lý tiêu hoá, nội soi tiêu hóa (thường, gây mê) can thiệp điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa như mở thông dạ dày(PEG), cắt polyp, tiêm cầm máu, cắt hớt niêm mạc trong điều trị ung thư sớm… với các chuyên gia, bác sĩ về Tiêu hóa của Bệnh viện Lão khoa TW, xin vui lòng liên hệ:

Bệnh viện Lão khoa Trung ương. số điện thoại: ……………………………….

Hoặc liên hệ trực tiếp Ths.Bs. Trần Mạnh Bắc - Phó Trưởng khoa Thăm dò chức năng SĐT: 093.609.7697

 

 

Bài viết liên quan