Kỷ cương - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Tận tâm

LOÃNG XƯƠNG

Loãng xương là bệnh xương chuyển hóa tiến triển làm giảm mật độ chất khoáng trong xương (khối lượng xương trên một đơn vị thể tích), kèm suy giảm cấu trúc xương. Tuổi càng cao, tình trạng loãng xương (xốp xương) sẽ càng tiến triển nặng hơn do quá trình chuyển hóa xương có nhiều biến đổi gây ra các rối loạn trong quá trình tạo xương và hủy xương dẫn tới giảm mật độ xương. Căn bệnh này thường diễn biến thầm lặng. Hầu hết bệnh nhân sẽ không có triệu chứng rõ ràng, thường chỉ được phát hiện qua thăm khám định kì hoặc khi đã có những biến chứng như: Gãy cổ xương đùi, xẹp đốt sống, gãy đầu dưới xương quay.

1. Dịch tễ:

Với người trên 50 tuổi, loãng xương ảnh hưởng đến 1/5 phụ nữ và 1/20 nam giới. Theo thống kê gần đây của hiệp hội loãng xương quốc tế, toàn thế giới hiện có trên 200 triệu người bị loãng xương, trong số đó 80% là phụ nữ, cứ 3 phụ nữ có 1 người và 5 người nam có 1 người từ 50 tuổi trở lên sẽ bị gãy xương. Qua đó, phát hiện, điều trị loãng xương sớm là vô cùng quan trọng và cần thiết.

          2. Phân loại:

Theo nguyên nhân gây bệnh, loãng xương được chia thành 02 loại gồm loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát. Trong đó hầu hết loãng xương ở người cao tuổi là loãng xương nguyên phát.

          3. Chẩn đoán loãng xương:

Phương pháp đo mật độ xương bằng chụp DXA (kỹ thuật dùng tia X để đo lượng xương mất) được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán loãng xương.

Việc thực hiện phương pháp trên được khuyến cáo cho các đối tượng:

- Phụ nữ mãn kinh có các yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình loãng xương, có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp, sử dụng thuốc lá hoặc các thuốc có nguy cơ mất xương (corticosteroid…).

- Bệnh nhân có gãy xương mà ko rõ nguyên nhân ở mọi độ tuổi.

- Bệnh nhân chụp xquang hoặc CT có hình ảnh về giảm mật độ chất khoáng được phát hiện tình cờ.

- Bệnh nhân trên 50 tuổi có giảm từ 3 cm chiều cao.

- Tất cả phụ nữ trên 65 tuổi và nam giới trên 70 tuổi bất kể có yếu tố nguy cơ hay không.

           4. Điều trị loãng xương:

- Phương pháp không sử dụng thuốc: Thay đổi yếu tố nguy cơ như chế độ ăn, chế độ sinh hoạt, sử dụng dụng cụ giảm sự tỳ đè lên các vùng xương cột sống, đầu xương, xương hông….

- Phương pháp dùng thuốc:

+ Bổ sung canxi, vitamin D

+ Thuốc đặc hiệu: Thuốc đầu tay được sử dụng là thuốc chống tiêu xương bisphosphonate. Thuốc có dạng uống và dạng dung dịch truyền. Đường uống có thể gây bất tiện vì cách uống khá phức tạp và có thể gây quên thuốc. Đường truyền cần thực hiện khi nhập viện và được truyền 1 năm 1 lần trong 3 năm liên tiếp, khá thuận tiện cho người bệnh.