1.Đặt vấn đề
Các định nghĩa về sức khỏe và phúc lợi ở giai đoạn cuối đời đã thay đổi cùng với sự gia tăng tuổi thọ. Bệnh tim, ung thư và đột quỵ đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người cao tuổi, trong khi tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng đã giảm. Những người cao tuổi sống sót ở giai đoạn cuối đời có tỷ lệ mắc bệnh mãn tính cao; 80% mắc ít nhất một bệnh và 50% mắc ít nhất hai bệnh mãn tính. Có mối liên quan chặt chẽ giữa sự hiện diện của các hội chứng lão khoa (suy giảm nhận thức, ngã, tiểu không tự chủ, suy giảm thị lực hoặc thính giác, chỉ số khối cơ thể thấp, chóng mặt) và sự phụ thuộc vào các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Suy giảm chức năng và mất khả năng độc lập không phải là hậu quả tất yếu của quá trình lão hóa. Do tỷ lệ mắc và tác động cao của các vấn đề sức khỏe mạn tính ở người bệnh cao tuổi, các biện pháp can thiệp dựa trên bằng chứng để giải quyết những vấn đề này ngày càng trở nên quan trọng nhằm tối đa hóa cả số lượng và chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi.
Trên toàn thế giới, số người cao tuổi trên 60 tuổi sẽ lên tới 2 tỷ người vào năm 2050 và sẽ chiếm hơn 20% dân số thế giới. Ở các nước phát triển như Mỹ: tuổi thọ trung bình từ 47 tuổi ở năm 1900 lên gần 79 tuổi vào năm 2014. Đến năm 2030, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi sẽ vượt quá 20%, tương đương trên 70 triệu người.
Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng nhanh, từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 73,7 tuổi vào nằm 2023 (năm 2022 là 73,6 tuổi), trong đó nam là 71,1 tuổi và nữ là 76,5 tuổi. Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), Việt Nam bắt đầu giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với số người từ 60 tuổi trở lên chiếm 7% tổng dân số. Năm 2021, số người cao tuổi tại Việt Nam chiếm 8,3% tổng dân số (8,16 triệu người cao tuổi). Dự báo, số người cao tuổi của Việt Nam tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069. Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già từ năm 2036, khi đó, tỷ trọng nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên đạt 14,2% tổng dân số.
Phải chăng, Việt nam, chúng ta cần có một khung quản lý chăm sóc sức khỏe tối ưu cho người cao tuổi ?
2. Tham khảo khung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của Mỹ
Những thay đổi về sinh lý và chức năng là khác nhau ở người cao tuổi, hay nói cách khác là quá trình lão hóa của mỗi cá nhân là không giống nhau. Tính không đồng nhất của quá trình lão hóa có nghĩa rất quan trong việc quản lý sức khỏe người cao tuổi, bao gồm cả phòng ngừa và điều trị, phải được xem xét dựa trên cá thể hóa. Chỉ riêng tuổi tác không phải là yếu tố quyết định duy nhất để cho phép thực hiên hay không thực hiện các can thiệp điều trị cho người cao tuổi, mà các phương pháp điều trị đáp ứng được mục tiêu bảo tồn chức năng và tối đa hóa chất lượng cuộc sống là được phép thực hiện.
Một khung về chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi nhằm xác định các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn phù hợp, từ đó giúp các nhà lão khoa cung cấp các vấn đề ưu tiên trong nhóm đối tượng này một cách phù hợp và hiệu quả nhất.
Ước tính tuổi thọ của người cao tuổi dựa trên sức khỏe và chức năng có thể giúp các bác sỹ lão khoa, người bệnh cao tuổi và người chăm sóc xác định các vấn đề ưu tiên và đưa ra quyết định. Công cụ dựa trên bằng chứng có sẵn có thể giúp ước tính về tuổi thọ cho người cao tuổi với các điều kiện và môi trường khác nhau. Từ đó, các bác sỹ lão khoa đưa ra các mục tiêu quản lý sức khỏe phù hợp cho người cao tuổi.
Công cụ ước tính dựa trên bằng chứng có sẵn trực tuyến
tại đây
Mục tiêu ngắn hạn: Đối tượng áp dụng là nhóm người cao tuổi bệnh lý giai đoạn cuối. Khi đó mục tiêu quản lý người cao tuổi là tập trung vào nhu cầu trước mắt nhằm duy trì hoặc phục hồi tình trạng sức khỏe hiện tại.
Mục tiêu bao gồm:
Điều trị triệu chứng.
Chăm sóc toàn diện.
Duy trì mạng sống.
Đánh giá hoàn cảnh sống.
Mục tiêu trung hạn: Nhóm người cao tuổi khả năng sống trong vòng 1 đến 5 năm tới.
Mục tiêu bao gồm:
Các biện pháp phòng bệnh.
Quản lý bệnh nền.
Quản lý vấn đề tâm lý.
Chiến lược đối phó với các vấn đề sức khỏe phát sinh.
Mục tiêu dài hạn: Dành cho nhóm người cao tuổi hiện đang khỏe mạnh và các chức năng hoạt động tốt.
Mục tiêu bao gồm:
Áp dụng các mục tiêu quản lý sức khỏe giống nhóm người trẻ cho đến khi xuất hiện các biến cố mới về sức khỏe.
Các nhà lão khoa được khuyến khích xem xét tình trạng sức khỏe, sở thích và ưu tiên của từng người bệnh cao tuổi trong việc quản lý các vấn đề lâm sàng. Xác định mục tiêu quản lý sức khỏe cho người cao tuổi giúp hỗ trợ các bác sỹ lão khoa đưa ra các chỉ định thăm dò, xét nghiệm và điều trị phù hợp. Từ đó, người cao tuổi được chăm sóc tốt hơn, giảm thiểu các can thiệp không cần thiết, giảm các chi phí y tế, đồng thời giảm gánh nặng cho ngành y tế trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.