Chụp cộng hưởng từ (Magnetic Resonance Imaging - MRI) là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại, ngày càng được áp dụng phổ biến. Nguyên lý của MRI là sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo hình ảnh các cơ quan và mô trong cơ thể. Chụp MRI là kỹ thuật không xâm lấn, không sử dụng tia X hay bức xạ ion nên an toàn đối với người bệnh. Tuy nhiên chụp MRI cần thời gian dài hơn so với các thăm khám chẩn đoán hình ảnh khác nên người bệnh cần hợp tác tốt trong suốt quá trình chụp. Sau đây là một số lưu ý dành cho người bệnh khi thực hiện chụp MRI tại bệnh viện Lão khoa TW.
Trước khi chụp MRI
- Thông thường người bệnh có thể ăn uống và sử dụng các loại thuốc theo đơn đang dùng.
- Người bệnh sẽ được nhân viên y tế, khai thác tiền sử, giải thích sơ bộ về thời gian, quy trình và hẹn giờ chụp để có thể chủ động sắp xếp thời gian.
- Chống chỉ định tuyệt đối với bệnh nhân có sử dụng máy tạo nhịp, điện cực ốc tai, van tim nhân tạo, kẹp mạch máu chất liệu kim loại, máy kích thích sóng não, van dẫn lưu não thất....
- Các vật dụng kim loại như điện thoại di động, chìa khóa, đồng hồ, đồ trang sức, răng giả, máy trợ thính, thắt lưng, thẻ từ, thẻ ATM, tóc giả (một số tóc giả có móc kim loại)... cần phải tháo bỏ để ngoài phòng chụp (có tủ cá nhân cho người bệnh cất giữ đồ) để đảm bảo an toàn và hiệu quả thăm khám.
- Một số kỹ thuật chụp cần thay đồ (mặc quần áo của Bệnh viện), nhân viên y tế sẽ hướng dẫn người bệnh tùy trường hợp cụ thể.
- Với các trường hợp cần tiêm thuốc đối quang từ để làm rõ tổn thương: Bác sĩ chuyên khoa Chẩn đoán Hình ảnh sẽ giải thích tính cần thiết, yếu tố nguy cơ có thể xảy ra, hướng dẫn người bệnh hoặc người nhà người bệnh viết cam kết và sẽ chỉ tiến hành tiêm sau ăn ít nhất 4 giờ, kết quả sàng lọc đủ điều kiện và xét nghiệm chức năng thận ở mức cho phép.
Trong khi chụp MRI
- Người bệnh được Kỹ thuật viên mời vào phòng máy, hướng dẫn lên bàn chụp và đặt tư thế nằm, sử dụng coils phù hợp với chỉ định thăm khám.
- Thời gian chụp khá dài (thông thường từ 15 đến 60 phút, có thể lâu hơn tùy bộ phận) nên người bệnh cần chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng cho thăm khám.
- Để có chất lượng hình ảnh tốt nhất có thể, người bệnh cần hợp tác, tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế: thở nhẹ, đều, nằm im trong suốt thời gian thăm khám (trường hợp người bệnh cấp cứu, thở máy, kích thích nhưng cần thiết phải chụp MRI để chẩn đoán, Bác sĩ Chẩn đoán Hình ảnh sẽ trao đổi, phối hợp với các Bác sĩ lâm sàng chỉ định sử dụng thuốc an thần để có thể thực hiện thăm khám).
- Khi phát xung để thu tín hiệu tạo ảnh, máy sẽ gây ra tiếng ồn khá lớn đó là bình thường. Người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm về điều này và bình tĩnh, hợp tác để hoàn thiện thăm khám.
- Trong quá trình chụp người bệnh và nhân viên y tế có thể trao đổi thông tin (nếu cần) thông qua hệ thống liên lạc và quý vị luôn được nhân viên y tế quan sát, theo dõi trên màn hình.
Sau khi chụp MRI
- Người bệnh có thể ăn uống, đi lại, làm việc bình thường phù hợp với sức khỏe và kế hoạch hoạt động của bản thân.
- Với người bệnh cần dùng thuốc an thần trong qua trình thăm khám, sau chụp phải có người hỗ trợ đi lại và ở lại cùng trong 24 giờ đầu tiên. Tuyệt đối không được lái xe, vận hành máy móc hoặc uống rượu, bia trong 24 giờ kể từ thời điểm sử dụng thuốc.
- Các trường hợp có tiêm thuốc đối quang từ để làm rõ tổn thương, người bệnh sẽ được lưu kim và được nhân viên y tế của khoa theo dõi sau tiêm (tối thiểu 30 phút). Người bệnh được phát Tờ rơi “Dấu hiệu phản vệ với thuốc cản quang” giúp nhận biết các yếu tố nguy cơ để báo cho nhân viên y tế hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí (khi cần)
- Thông thường người bệnh sẽ được nhận kết quả sau chụp khoảng 60 phút. Với các trường hợp khó, phức tạp, cần mời các chuyên gia hội chẩn, thời gian trả kết quả có thể sẽ lâu hơn. Nhân viên y tế sẽ thông báo cho người bệnh hoặc người nhà người bệnh biết để chia sẻ, hợp tác.