Kỷ cương - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Tận tâm

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO NGƯỜI BỆNH SA SÚT TRÍ TUỆ

I. Tổng quan:

- Sa sút trí tuệ là một hội chứng lâm sàng đặc trưng bởi suy giảm chức năng nhận thức, thay đổi về hành vi và mất các chức năng xã hội thường gặp ở người cao tuổi, là nguyên nhân chính dẫn đến tàn tật và tử vong ở đối tượng này. Trên thế giới, cứ mỗi 3 giây sẽ có thêm 1 người mắc sa sút trí tuệ. Là một trong số 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới nên số lượng người cao tuổi mắc sa sút trí tuệ trong cộng đồng tại Việt Nam ngày càng tăng.

- Hội chứng Sa sút trí tuệ gồm các giai đoạn:

+ Giai đoạn nhẹ: Giảm trí nhớ ngắn hạn; không nhớ vị trí để đồ cá nhân; khó khăn khi: lái xe, quản lý nhà cửa, tiền bạc; dễ nóng giận; dễ kích động hơn…

+ Giai đoạn vừa: Khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày như: tắm rửa, vệ sinh cá nhân, mặc quần áo; xuất hiện hoang tưởng, kích động, lú lẫn,…

+ Giai đoạn nặng: Người bệnh mất khả năng tự sinh hoạt hàng ngày, phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc: ăn, uống, đi lại, vệ sinh cá nhân, nằm liệt giường, đối mặt nguy cơ suy dinh dưỡng, viêm phổi hít, loét tỳ đè, tử vong,…

- Hội chứng sa sút trí tuệ có thể trở thành gánh nặng đối với cả người bệnh và gia đình người bệnh. Với người bệnh, họ cảm thấy cuộc sống nặng nề, chất lượng cuộc sống sụt giảm nghiêm trọng do phải phụ thuộc vào người chăm sóc. Với gia đình người bệnh, họ có thể cảm thấy căng thẳng cả về tinh thần, thể chất và kinh tế. Chứng sa sút trí tuệ không thể đảo ngược và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm, can thiệp bằng các biện pháp dùng thuốc, không dùng thuốc và phục hồi chức năng kịp thời sẽ giúp người bệnh duy trì sự độc lập, sống tốt trong nhiều năm.

II. Mục đích phục hồi chức năng cho người bệnh sa sút trí tuệ:

 - Người bệnh hòa nhập với cộng đồng.

- Người bệnh độc lập tối đa trong sinh hoạt.

- Cải thiện sức khoẻ thể chất, tinh thần cho người bệnh.

- Cải thiện khả năng giao tiếp.

- Ngăn ngừa các biến chứng teo cơ, cứng khớp do không vận động.

- Phòng ngừa hội chứng không sử dụng (disuse syndrome).

III. Nguyên tắc can thiệp:

- Giờ cố định để tạo nhịp điệu trong sinh hoạt.

- Môi trường quen thuộc, yên tĩnh, an toàn.

- Các bài tập từ dễ đến khó, thời gian từ ít đến nhiều: lúc đầu có thể 5-10 phút.

- Luôn quan sát sắc mặt, thái độ của người bệnh để dừng tập kịp thời khi người bệnh có các biểu hiện: mệt mỏi, chán nản, cáu giận, kích động…

- Tập từng động tác, chậm rãi.

- Động viên, khen ngợi khi người bệnh thực hiện tốt động tác.

- Xếp thành vòng tròn để mọi nguời nhìn thấy nhau trong hoạt động nhóm.

- Người chăm sóc cần phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của người bệnh: đi lang thang, lạc đường, ăn bậy… để có biện pháp khắc phục phù hợp.

IV. Các biện pháp can thiệp

- Các hoạt động cải thiện sức khỏe thể chất: duy trì đều đặn 15- 30 phút/1 lần, ngày 1-2 lần, 5 ngày/tuần

+ Bài tập sức mạnh: sử dụng tạ, dây đàn hồi, bao cát…

+ Bài tập sức bền: đi bộ, đạp xe…

+ Các bài tập cải thiện thăng bằng

- Các hoạt động giúp người bệnh giảm căng thẳng, lo lắng:

+ Tập thở sâu

+ Ngồi thiền…

- Các hoạt động nhận thức:

+ Bài tập định hướng: nhận biết không gian, thời gian

+ Bài tập tăng cường khả năng chú ý: lắp ráp hình khối, nhặt vật và đếm…

+ Bài tập tính toán: nhận biết số, công trừ đơn giản, nhận biết mệnh giá tiền, đi chợ mua đồ…

+ Nhận biết và sử dụng đồ vật: đồ vật thật và đồ vật qua tranh, ảnh…

+ Bài tập trí nhớ: tìm hai hình giống nhau, kể tên các loại hoa quả, đồ ăn, thức uống quen thuộc…

+ Bài tập tư duy trừu tượng, giải quyết vấn đề: giải nghĩa các câu ca dao tục ngữ, câu đố...

+ Hoạt động hồi tưởng: sử dụng hộp ký ức…

- Hoạt động vui chơi giải trí: nghe nhạc, hát, truyền bóng, …

- Hoạt động thủ công, nghệ thuật: thêu, đan len, cắt dán hoa, nặn đất, tô màu, vẽ tranh, múa…

- Hoạt động cơ bản hàng ngày giúp người bệnh độc lập tối đa: tập xúc, gắp, uống nước, đánh răng, rửa mặt, mặc quần áo…

- Hoạt động hàng ngày cao cấp: sử dụng điện thoại, quét nhà, nhặt rau, đi chợ, giặt giũ, nấu món ăn đơn giản…

- Hoạt động theo sở thích: chơi cờ vua, cờ tướng, xem ti vi, đọc sách, báo, làm vườn, chăm sóc thú cưng, đi lễ chùa…

- Bài tập phòng biến chứng cho người bệnh ở giai đoạn nặng: bài tập vận động, tư thế đúng khi ăn…

- Các chiến lược hỗ trợ người bệnh: giấy nhắc việc, đặt chuông báo thức, ghi nhớ trên điện thoại, nhắc nhở bằng lời, trợ giúp cầm tay chỉ việc…

- Thay đổi môi trường sống là rất cần thiết đối với người bệnh mắc chứng sa sút trí tuệ: Để đồ dùng gọn gàng, đúng vị trí, dán nhãn đồ vật, lắp thanh vịn tại các lối đi, nhà tắm, …

- Lưu ý: Đối với người bệnh sa sút trí tuệ ở giai đoạn nặng chúng ta vẫn cần các bài tập kích thích các giác quan thính giác, xúc giác, thị giác… bằng cách nói chuyện, vuốt ve, sờ chạm…


Một số bài tập cho người bệnh sa sút trí tuệ

 Các bài tập cải thiện sức mạnh cơ 

Các bài tập cải thiện khả năng thăng bằng

 

                               

                         Nhận biết đồ vật qua tranh ảnh                                      Trò chơi tháp Hà Nội

 

                                               

                                         Tập xỏ dây giày                                           Tìm 2 hình giống nhau

 

                                             

                                     Hoạt động theo sở thích                                    Hoạt động giải trí

                       

Hoạt động thủ công

                                                    Trang trí cây thông noel                                               Tổ chức Tết Trung thu

                                       

   Trang trí ngày Tết                                          Tổ chức Tết nguyên đán

V. Can thiệp cho người bệnh sa sút trí tuệ bằng cách sử dụng hộp ký ức

1. Vai trò của hộp ký ức

- Kích thích xúc giác và các giác quan giúp người bệnh gợi nhớ  và hồi tưởng về quá khứ, nhớ về ký ức dài hạn được bảo tồn.

- Những kỷ niệm đẹp trong quá khứ, sở thích cá nhân của người bệnh có thể được khám phá. Giúp cho người bệnh cảm thấy hạnh phúc hơn.

- Hộp ký ức có thể truyền cảm hứng cho cuộc trò chuyện của người bệnh với người chăm sóc, con cháu của họ. Tăng sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.

- Bạn sẽ hiểu rõ hơn về người thân yêu và quá khứ của họ. Khi bạn tìm kiếm những kỷ vật để đưa vào hộp lưu niệm, bạn có thể tìm thấy những món đồ đặc biệt mà bạn không biết là người bệnh tuổi vẫn còn quan tâm.

- Thúc đẩy sự sáng tạo từ việc tạo ra một hộp ký ức. Người cao tuổi có thể được truyền cảm hứng để tạo ra một hộp khác về một sự kiện hoặc kỷ niệm khác trong cuộc sống.

2. Cách tạo hộp ký ức

- Bước 1: Lựa chọn hộp đựng, trang trí vỏ hộp

- Bước 2: Thu thập đồ vật để trong hộp

Bước 3: sắp xếp, lắp ráp các đồ vật bên trong hộp

2.1Lựa chọn hộp đựng, trang trí vỏ hộp

- Nó có thể là một hộp bằng nhựa, gỗ hoặc hộp bằng bìa carton, vỏ hộp bánh kẹo …tùy theo những đồ tái sử dụng sẵn có trong gia đình của bạn.

                                                    

- Kích thước phù hợp, chất liệu nhẹ, chắc chắn, dễ dàng nâng lên, hạ xuống…

- Trang trí bên ngoài vỏ hộp đơn giản hay phức tạp tùy theo sở thích.

2.2  Thu thập đồ vật đựng trong hộp ký ức

- Khai thác được càng nhiều càng tốt về thông tin của người bệnh từ khi người bệnh sinh ra cho đến thời điểm hiện tại:

+ Nơi sinh

+ Trường học, bạn thân…

+ Tìm hiểu về mối quan tâm, sở thích của người bệnh.

+ Khai thác công việc trước đây, những thành tích mà người bệnh đã đạt được…

- Những cân nhắc khi lựa chọn đồ vật đựng trong hộp ký ức:

+ Đảm bảo sự an toàn: tránh sử dụng những đồ vật dễ vỡ, sắc nhọn...

+ Đồ vật có ý nghĩa

+ Tính độc đáo: những đồ vật có ý nghĩa nhưng là duy nhất không thể thay thế thì cũng không nên đưa vào hộp...

+ Dán nhãn hoặc ghi chú: để đảm bảo sự rõ ràng, ai cũng có thể sử dụng để hướng dẫn người bệnh.

- Những đồ vật thường xuất hiện trong hộp ký ức:

- Những đồ vật trong hộp ký ức có thể là:

+ Những bức ảnh gia đình, người thân…

+ Một món đồ chơi: thú nhồi bông, đồ chơi yêu thích…

+ Một quả bóng hoặc bộ bài

+ Chùm chìa khóa, đồng hồ, tiền lẻ…

+ Lá thư của người thân yêu, Bưu thiếp…

+ Tác phẩm nghệ thuật: bức tranh vẽ của bản thân hay của con cháu

+ Huân huy chương

+ Bộ cờ vua, cờ tướng

+ Quyển sách hoặc truyện, tờ báo yêu thích.

+ Ấm pha trà, cà phê

+ Đĩa nhạc, đài radio

+ Quà lưu niệm du lịch

+ Đồ trang sức

+ Nước hoa, kem dưỡng da, bộ trang điểm

+ Dụng cụ làm vườn: túi hạt giống,...

2.3  Lắp ráp hộp ký ức

 

- Lưu ý:

+ Hộp ký ức được cá nhân hóa đối với mỗi người bệnh

+ Bạn có thể tạo nhiều hộp ký ức với các chủ đề khác nhau với người thân yêu của mình.

+ Ví dụ một hộp có thể lưu giữ kỷ niệm về thời trẻ và một hộp khác lưu giữ sở thích yêu thích.

+ Những kỷ vật không nhất thiết phải vừa với hộp.

+ Ta có thể trình bày những kỷ vật trong tủ kính nhỏ treo tường hoặc xung quanh phòng ngủ, xung quanh nhà của người bệnh…

3. Cách sử dụng hộp ký ức

- Chọn môi trường quen thuộc, không gian yên tĩnh, thoáng mát để trò chuyện.

- Hãy để người đó cầm từng vật phẩm và khuyến khích họ chia sẻ những kỷ niệm đặc biệt liên quan đến chúng.

- Chúng ta sử dụng những tấm ảnh được sắp xếp theo trình tự thời gian trong cuốn album và những đồ vật trong hộp ký ức để NB tự giới thiệu kể về cuộc đời của họ.

- Ví dụ:

+ Đầu tiên hãy để người bệnh tự giới thiệu về những gì đang có trong ảnh

+ Sau đó dựa vào những gì NB nói chúng ta có thể bổ sung một số câu hỏi, gợi ý nếu cần thiết như: bức ảnh này được chụp ở đâu, trong dịp nào? tên các thành viên, nếu là ảnh cưới có thể hỏi ông bà yêu nhau bao lâu thì cưới?...

 - Sử dụng hộp ký ức vào thời gian nào trong ngày?

+ Nó có thể được sử dụng bất cứ lúc nào và hầu như ở bất cứ đâu.

+ Nó có thể được sử dụng khi một người có thể cảm thấy bồn chồn, lo lắng. Chúng có thể giúp họ quên đi những lo lắng hiện tại thông qua giao tiếp về những chủ đề trong hộp ký ức.

+ Hộp ký ức thường được sử dụng cho NB sa sút trí tuệ ở giai đoạn đầu và trung gian.

Lưu ý: Sau khi sử dụng hộp ký ức xong ta nên cất ở những nơi dễ quan sát, đặt trong tầm với của người bệnh.