Kỷ cương - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Tận tâm

BỆNH SUY TĨNH MẠCH CHI DƯỚI MẠN TÍNH: Những điều cơ bản cần biết

Suy tĩnh mạch (TM) chi dưới mạn tính là bệnh lý phổ biến trong cộng đồng, có tỉ lệ mắc cao (20-40% người trưởng thành). Bệnh tiến triển âm thầm, tăng dần, nếu không được điều trị sẽ ngày càng nặng và gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của người bệnh.

1. Bệnh suy tĩnh mạch mạn tính là gì?

  • Bệnh TM mạn tính (Chronic Venous Disease – CVD): bao gồm các bất thường về chức năng và hình thể của hệ TM diễn biến kéo dài, biểu hiện bằng các triệu chứng hoặc dấu hiệu (hoặc cả hai) cho thấy cần phải thăm khám và điều trị
  • Suy TM mạn tính (Chronic venous insufficiency - CVI) là thuật ngữ chỉ bệnh tĩnh mạch mạn tính tiến triển do những bất thường chức năng của hệ thống tĩnh mạch, gây phù, rối loạn sắc tố da hoặc loét tĩnh mạch
  • Giãn TM chi dưới: Giãn TM mạng nhện ( đk< 1mm); Giãn TM dạng lưới (1-3mm); Giãn TM: ≥3 mm

2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

           Nguyên nhân:

  • Tiên phát: Những bất thường mặt di truyền, giải phẫu van
  • Thứ phát: Hậu huyết khối, rò động tĩnh mạch, u chèn ép, có thai, chơi thể thao nặng..

          Các yếu tố nguy cơ:

  • Yếu tố di truyền: Nguy cơ mắc ở người con là khoảng 20% nếu có hoặc bố/hoặc mẹ bị suy tĩnh mạch; và là 90% nếu có cả bố và mẹ đều bị suy tĩnh mạch.
  • Tuổi: tuổi càng cao thì tỉ lệ mắc càng cao
  • Giới tính: Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ cao hơn nam do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, quá trình thai nghén (sinh đẻ nhiều lần, hay khoảng cách giữa các lần sinh đẻ càng ngắn à càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh), và sở thích mang giày cao gót. Tỉ lệ nữ/nam ~ 3/1
  • Nghề nghiệp: các nghề phải đứng quá lâu hay ít vận động như giáo viên, nhân viên bán hàng, nhân viên văn phòng,...; tiếp xúc/ làm việc trong môi trường nóng thường xuyên (lò bánh mỳ, lò luyện gang thép…xông hơi); gánh vác nặng…
  • Thói quyen sinh hoạt: Lười vận động, ăn uống thiếu chất xơ, táo bón. Tập những môn thể thao mạnh thường xuyên làm tăng áp lực lên hệ TM (Gym, gánh tạ…)
  • Béo phì
  • Các bệnh lý nhiễm trùng, khối u, sau phẫu thuật có biến chứng tắc mạch, viêm mạch và các thủ thuật khác như bó bột hay phải nằm bất động lâu trong gãy xương... cũng có thể dẫn tới bệnh suy giãn tĩnh mạch.
  • Sử dụng thuốc ngừa thai cũng là một yếu tố nguy cơ.

3. Triệu chứng của bệnh suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính

  • Cảm giác tức nặng và mỏi ở chi dưới khi đứng lâu
  • Đau chi dưới dọc tĩnh mạch, đau bắp chân, cổ chân
  • Phù nề ở chân (dấu hiệu sớm ở bàn chân, mắt cá chân. Khi nặng hơn thì phù cả lên cẳng chân)
  • Chuột rút ở chân (thường xuất hiện về đêm)
  • Ngứa ở chân, tê chân
  • Nhìn ngoài thì thấy tĩnh mạch nổi giãn chằng chịt, ngoằn ngoèo.

Các triệu chứng trên thường nặng hơn về cuối ngày; giảm khi nghỉ ngơi, gác cao chân, hay đầu buổi sáng.

  • Nặng hơn thì thấy thâm đen da, viêm da, loét da

PHÂN ĐỘ LÂM SÀNG: Theo phân loại CEAP

 

           C1                        C2                 C3                   C4               C5                C6

 

4. Tiến triển và biến chứng của bệnh suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính

Bệnh tiến triển nặng dần nếu không được điều trị:

  • Chân bị sưng to, đau buốt và thường bị chuột rút về đêm.
  • Tĩnh mạch giãn, nổi rõ dưới da làm mất thẩm mỹ.
  • Nhiều tĩnh mạch giãn lớn khiến ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng của da chân dẫn tới viêm da, loét, nhiễm trùng làm mất khả năng lao động, thậm chí có trường hợp phải cắt cụt chân.
  • Viêm tắc tĩnh mạch sâu do huyết khối, huyết khối có thể vỡ tách ra thành những cục huyết khối nhỏ di chuyển lên tim và gây thuyên tắc động mạch phổi, có thể dẫn tới tử vong đột ngột.

5. Điều trị bệnh giãn tĩnh mạch

Tùy vào từng giai đoạn bệnh, điều kiện và mong muốn của bệnh nhân, đáp ứng của của cơ sở y tế mà bác sĩ có thể chỉ định một biện pháp riêng lẻ hay kết hợp các phương pháp dưới đây:

Các biện pháp bảo tồn:

  • Thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống: Tăng cường vận động, ăn đủ chất xơ, uống đủ nước, hạn chế bia rượu, không lạm dụng ngâm chân nước nóng/xông hơi; khi ngồi/nằm gác cao chân…chọn môn thể thao, thể dục phù hợp: Đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe, yoga,…
  • Dùng thuốc:Thuốc hỗ trợ tĩnh mạch theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Dùng tất y khoa:Tùy bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định dùng loại tất phù hợp: Cỡ tất (theo kích thước chu vi chân), độ dài tất (loại tới gối, tới bẹn, tất quần), độ áp lực (I,II,III,IV)

Các biện pháp loại bỏ tĩnh mạch:

  • Phẫu thuật: Mổ cắt bỏ tĩnh mạch – là phương pháp cổ điển, hiện nay ít còn được lựa chọn.
  • Tiêm xơ:tiêm vào tĩnh mạch một loại thuốc gây phản ứng viêm tắc đoạn tĩnh mạch bị suy giãn à kết quả là tĩnh mạch đó bị xơ hóa và teo nhỏ dần.
  • Can thiệp nhiệt nội mạch (Laser/ hoặc sóng cao tần) : nhiệt lượng từ sợi Laser/sóng cáo tần sẽ tác động và phá hủy thành tĩnh mạch gây viêm tắc đoạn tĩnh mạch bị suy giãn à kết quả là tĩnh mạch đó bị xơ hóa và teo nhỏ dần.
  • Can thiệp bằng keo sinh học: Đưa vào lòng tĩnh mạch chất keo sinh học gây kết dính vô hiệu hóa hoạt động của tĩnh mạch.

 

Một số hình ảnh của BN suy tĩnh mạch được điêu trị tại bệnh viện Lão khoa Trung ương

 

Bệnh viện Lão khoa TW là một trong những bệnh viện đầu tiên của cả nước ứng dụng và triển khai các phương pháp hiện đại để điều trị cho các bệnh nhân bị suy tĩnh mạch chi dưới như: Laser, Sóng cao tần, keo sinh học, tiêm xơ. Bắt đầu từ 2009, đến nay bệnh viện đã khám và điều trị cho khoảng 50.000 lượt bệnh nhân bằng các phương pháp hiện đại trên. Đồng thời, bệnh viện liên tục đào tạo, và chuyển giao các kỹ thuật này cho các tuyến y tế cơ sở giúp người bệnh trong cả nước thuận lợi hơn để tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại.

Các chuyên gia, bác sĩ chuyên sâu về bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chi dưới tại BV Lão khoa TW

PGS.TS. Nguyễn Trung Anh – Giám đốc bệnh viện, Chủ nhiệm Bộ môn Lão khoa Trường Đại học Y Hà Nội

Ths.BsCKII Bùi Văn Dũng - Trưởng khoa Thăm dò chức năng.

Ths.BsCKII Nguyễn Minh Đức – Phó Trưởng khoa Tim mạch can thiệp.

Để đặt lịch khám, các bác vui lòng liên hệ:

Bệnh viện Lão khoa Trung ương. số điện thoại: (024) 3 577 3888(giờ hành chính)

Hoặc liên hệ trực tiếp:

     - BS Dũng - SĐT: 097.909.9246

     - BS Đức – SĐT: 098.662.1921

Vui lòng liên hệ (gọi/hoặc nhắn tin) trong khoảng thời gian: từ 19h30 - 21h30