Kỷ cương - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Tận tâm

🚨🚨🚨 CẢNH BÁO: CƠN HOẢNG SỢ VÀ RỐI LOẠN HOẢNG SỢ 🚨🚨🚨

Đã bao giờ bạn đột ngột cảm thấy căng thẳng, lo lắng, sợ hãi hoặc khó chịu mãnh liệt, kèm theo cảm giác sợ chết, sợ mình sẽ phát điên hoặc mất kiểm soát, hay cảm thấy đau ngực, chóng mặt, cảm giác nghẹt thở, hụt hơi, vã mồ hôi… kéo dài trong vài phút chưa? Bạn phái trải qua những “cơn hoảng loạn” giống như mô tả trên lặp đi lặp lại? Và bạn cảm thấy rất sợ những “cơn hoảng loạn” này quay lại không?

 

Cơn hoảng sợ là gì?

Cơn hoảng sợ được định nghĩa là sự gia tăng đột ngột của nỗi sợ hãi hoặc khó chịu dữ dội đạt đến đỉnh điểm trong vài phút. 

Các cơn hoảng sợ có thể xảy ra trong bất kỳ rối loạn tâm thần nào, thường gặp trong các tình huống liên quan đến các đặc điểm cốt lõi của rối loạn, như khi một người mắc chứng sợ côn trùng có thể hoảng sợ khi nhìn thấy côn trùng; các cơn hoảng sợ trong tình huống này được gọi là “có dự kiến”. Những cơn hoảng sợ không dự kiến là những cơn xảy ra một cách tự phát, không có bất kỳ tác nhân rõ ràng nào.

Cơn hoảng sợ ban đầu có thể xảy ra đột ngột và không có dấu hiệu báo trước, nhưng theo thời gian, chúng thường xảy ra trong những tình huống nhất định.

Thế nào là rối loạn hoảng sợ?

Rối loạn hoảng sợ là sự xuất hiện bất ngờ và tái diễn của các cơn hoảng sợ, thường kèm theo mối lo ngại dai dẳng về các cơn trong tương lai cùng với những thay đổi hành vi để né tránh những tình huống được cho là có thể dẫn đến cơn hoảng sợ.

Cơn hoảng sợ và rối loạn hoảng sợ có hay gặp không?

Rối loạn hoảng sợ có tỷ lệ mắc tương đối cao trong đời, khoảng 1 – 4%, gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Các triệu chứng của rối loạn hoảng sợ thường bắt đầu ở cuối tuổi thiếu niên hoặc đầu tuổi trưởng thành, với tỉ lệ mắc thấp ở trẻ < 14 tuổi.

Rối loạn hoảng sợ có thể có nhiều bệnh lý đi kèm bao gồm rối loạn ám ảnh cưỡng bức, ám ảnh sợ xã hội, các bệnh lý tim mạch, hô hấp, tiêu hóa.

Nguyên nhân?

Có nhiều lý thuyết và mô hình đề cập đến nguyên nhân của rối loạn hoảng sợ. Hầu hết đều chỉ ra vai trò của sự mất cân bằng hóa học là yếu tố chính, bao gồm những bất thường về GABA, cortisol, serotonin. Cùng với đó là những thay đổi trong cấu trúc và chức năng của một số vùng não nhất định, hoạt động của các mạch thần kinh cũng đóng vai trò trong rối loạn.

Yếu tố di truyền và môi trường: nghiên cứu cho thấy những điều kiện bất lợi ở tuổi thơ ấu có thể dẫn đến rối loạn hoảng sợ ở tuổi trưởng thành. Người thân thế hệ thứ nhất có 40% nguy cơ mắc hội chứng này nếu có người thân trong gia đình được chẩn đoán.

Những nguy cơ của cơn hoảng sợ và rối loạn hoảng sợ là gì?

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc rối loạn hoảng sợ hoặc rối loạn hoảng sợ bao gồm:

Tiền sử gia đình mắc cơn hoảng sợ hoặc rối loạn hoảng sợ.

Cẳng thẳng trong cuộc sống, như cái chết của người thân yêu, ly hôn.

Một sự kiện đau thương, chẳng hạn như một tai nạn nghiêm trọng hoặc bị tấn công tình dục.

Hút thuốc hoặc dùng quá nhiều caffeine

Tiền sử bị lạm dụng tình dục hoặc thể chất thời thơ ấu.

Các dấu hiệu và triệu chứng?

Các cơn hoảng sợ thường bắt đầu đột ngột, không báo trước. Chúng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, và tần suất xuất hiện có thẻ từ đôi khi đến thường xuyên. Cơn hoảng sợ có thể khác nhau, nhưng các triệu chứng thường đạt đỉnh trong vòng vải phút. Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức sau khi cơn hoảng sợ qua đi. 

Rối loạn hoảng sợ bao gồm các triệu chứng về thể chất và nhận thức; các cơn hoảng sợ tái diễn, kèm theo mối lo lắng dai dẳng về sự xuất hiện các cơn này trong tương lai. Bạn có thể sợ các cơn hoảng sợ đến mức tránh một số tình huống mà bạn cho rằng đó là nguyên nhân gây ra cơn hoảng sợ.

Chẩn đoán rối loạn hoảng sợ như thế nào?

Cơn hoảng sợ có thể xuất hiện trong các rối loạn tâm thần khác ngoài rối loạn hoảng sợ, như ám ảnh sợ đặc hiệu, ám ảnh sợ xã hội, PTSD. Do đó khi chẩn đoán rối loạn hoảng sợ phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn chẩn đoán của rối loạn theo ICD-10.

Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn hoảng sợ theo ICD-10 (F41.0) bao gồm:

A. Người bệnh trải nghiệm các cơn hoảng sợ tái diễn, những cơn này không phải lúc nào cũng kết hợp với một tình huống hoặc một đồ vật nhất định và thường xảy ra tự phát (không dự đoán được). Các cơn hoảng sợ không liên quan với việc tiếp xúc với các tình huống nguy hiểm hoặc đe dọa tính mạng.

B. Một cơn hoảng sợ đặc trưng bởi tất cả các tính chất sau:

(1) Đây là một giai đoạn kín đáo của sự sợ hãi hoặc khó chịu ghê gớm.

(2) Nó khởi phát đột ngột.

(3) Nó đạt mức tối đa trong vòng vài phút và kéo dài ít nhất vài phút.

(4) Ít nhất 4 trong số các triệu chứng được liệt kê dưới đây phải có mặt, một trong số đó phải nằm trong mục từ (a) đến (d).

Các triệu chứng kích thích hệ thần kinh thực vật

             (a) Hồi hộp, tim đập mạnh hoặc tăng nhịp tim.

             (b) Vã mồ hôi.

             (c) Run rẩy.

             (d) Khô miệng (không do thuốc hoặc mất nước)

Các triệu chứng vùng ngực và bụng

             (a) Khó thở.

             (b) Cảm giác nghẹn.

             (c) Đau hoặc khó chịu ở ngực.

             (d) Buồn nôn hoặc khó chịu ở bụng.

Các triệu chứng liên quan đến trạng thái tâm thần

             (a) Cảm giác chóng mặt, không vững, ngất hoặc choáng váng.

             (b) Cảm giác đồ vật không thật (tri giác sai thực tại) hoặc cảm giác cơ thể ở xa hoặc “không thực sự ở đây” (giải thể nhân cách).

             (c) Sợ mất kiềm chế, “hóa điên” hoặc bất tỉnh.

             (d) Sợ bị chết.

Các triệu chứng toàn thân

             (a)Có các cơn nóng bừng hoặc ớn lạnh.

             (b) Cảm giác tê cóng hoặc kim châm.

C. Những chẩn đoán loại trừ hay gặp nhất. Các cơn hoảng sợ không do một bệnh cơ thể, rối loạn tâm thần thực tổn hoặc các rối loạn tâm thần khác như tâm thần phân liệt và các rối loạn liên quan, các rối loạn khí sắc [cảm xúc] hoặc các rối loạn dạng cơ thể.

Cơn hoảng sợ và rối loạn hoảng sợ có điều trị được không?

Mặc dù các cơn hoảng sợ không đe dọa đến tính mạng, nhưng nếu không được điều trị, các cơn hoảng sợ và rối loạn hoảng sợ có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn. Và thật may rằng, việc điều trị có thể rất hiệu quả. Các phương pháp điều trị chính bao gồm liệu pháp tâm lý và thuốc. 

a.Liệu pháp tâm lý:

Liệu pháp tâm lý có thể giúp bạn hiều các cơn hoảng sợ, rối loạn hoảng sợ và học cách đối phó với chúng. 

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) đã được chứng minh có hiệu quả đối với rối loạn hoảng sợ. CBT giúp bạn hiểu ra và kiểm soát những nhận thức sai lệch và niềm tin sai lầm của mình, thông qua kinh nghiệm của chính bạn, bạn có thể nhận ra rằng các triệu chứng hoảng sợ không nguy hiểm, sau đó, khuyến khích bạn dần dần tiếp xúc với các tình huống có khả năng gây ra cơn hoảng sợ, do đó làm mất đi mối liên hệ được cho là giữa tác nhân và các triệu chứng của bạn.

Các ký thuật thư giãn giúp bạn giảm sự lo lắng, bao gồm chánh niệm, thiền, thôi miên, thư giãn luyện tập, tập thở.

b.Thuốc:

Thuốc có thể giúp làm giảm các triệu chứng liên quan đến các cơn hoảng sợ cũng như các vấn đề khác của bạn nếu có, như trầm cảm, lo âu. Một số loại thuốc đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc kiểm soát các triệu chứng của cơn hoảng sợ, bao gồm: 

Benzodiazepine có tác dụng khởi phát nhanh được lựa chọn chon việc loại bỏ cơn hoảng sợ. Các thuốc này thường dùng trong giai đoạn cấp tính và trong thời gian ngắn tránh nguy cơ phụ thuộc.

Thuốc chống trầm cảm nên là biện pháp can thiệp dược lý duy nhất sử dụng để kiểm soát lâu dài rối loạn hoảng sợ. Các nhóm thuốc chống trầm cảm có cơ sở bằng chứng về hiệu quả là thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin – norepinephrine (SNRI) và thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA). 

Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?

Nếu bạn có các triệu chứng của cơn hoảng sợ, hãy đi khám chuyên khoa Tâm thần càng sớm càng tốt. Các cơn hoảng rất khó tự kiểm soát và chúng có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không được điều trị.

Các triệu chứng của cơn hoảng sợ cũng có thể giống với các triệu chứng của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, chẳng hạn như đau ngực, vì vậy, bạn nên được đánh giá bởi các nhà chuyên môn để chắc chắn nguyên nhân gây ra những triệu chứng của mình.

Phòng ngừa

Không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa các cơn hoảng sợ hoặc rối loạn hoảng sợ, tuy nhiên những điều sau đây có thể giúp ích cho bạn.

  • Hãy điều trị các cơn hoảng sợ càng sớm càng tốt để giúp ngăn chặn tình trạng này trở nên tồi tệ hơn.
  • Tuân thủ điều trị để giúp ngăn ngừa tái phát hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng của cơn hoảng sợ.
  • Chế độ sống lành mạnh bao gồm rèn luyện thể thao, thư giãn luyện tập, chế độ ăn uống đầy đủ, tránh caffeine, rượu, thuốc lá, ma túy và ngủ đủ giấc có thể giúp bạn quản lý stress và tình trạng lo âu.
  • Tham gia các nhóm hỗ trợ dành cho những người mắc rối loạn hoảng sợ hoặc rối loạn lo âu có thể giúp bạn kết nối với những người khác cũng đang gặp vấn đề tương tự.

 

Tài liệu tham khảo

https://www.nice.org.uk/guidance/cg113/chapter/recommendations#drug-treatment-2

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC10096212/

Sadock BJ, Sadock VA, Ruiz P. Synopsis of Psychiatry Behavioral Sciences/ Clinical Psychiatry. Eleventh edition. New York, NY: Wolters Kluwer; 2015.

World Health Organization. International Statistical Classification of Diseases and Related Health Problems. 10 ed. Geneva1992.

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/panic-attacks/diagnosis-treatment/drc-20376027

https://www.msdmanuals.com/professional/psychiatric-disorders/anxiety-and-stressor-related-disorders/panic-attacks-and-panic-disorder