Kỷ cương - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Tận tâm

BỆNH SUY TIM: CÁCH NHẬN BIẾT, ĐIỀU TRỊ VÀ DỰ PHÒNG

Suy tim là hậu quả của các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, các bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh… Cùng với tốc độ già hóa dân số ngày một gia tăng, số bệnh nhân Suy tim tăng lên rõ rệt trong những thập kỷ qua và đang trở thành gánh nặng cho cộng đồng cần được giải quyết. Có tới gần 50% số bệnh nhân Suy tim có nguy cơ bị tử vong trong vòng 5 năm kể từ khi được chẩn đoán. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp làm chậm tiến triển của Suy tim, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

Suy tim là gì?

Tim là bộ phận quan trọng trong hệ tuần hoàn, làm nhiệm vụ bơm máu giàu oxy và chất dinh dưỡng đến các cơ quan trong cơ thể, đồng thời loại bỏ các chất thải trong quá trình trao đổi chất. Khi bị suy tim, tim sẽ không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cơ thể. Nói cách khác, suy tim là một hội chứng lâm sàng do biến đổi cấu trúc hoặc chức năng của tim do nhiều nguyên nhân và bệnh học khác nhau. Hậu quả là tăng áp lực trong buồng tim và/hoặc giảm cung lượng tim khi gắng sức hay khi nghỉ.

            Triệu chứng thường gặp

 Bệnh nhân suy tim thường có các biểu hiện sau: mệt, giảm khả năng gắng sức, khó thở, ho về đêm, trống ngực, cảm giác căng tức vùng hạ sườn phải, chán ăn, hay lo lắng, phù hai chân… Các triệu chứng có thể xuất hiện đơn độc hoặc cùng lúc trong bất cứ giai đoạn nào của bệnh. Vì vậy, ngay khi có các biểu hiện nghi ngờ, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất có chuyên khoa tim mạch để thăm khám và kịp thời phát hiện bệnh.

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy tim. Trước đây, khi việc phòng ngừa Thấp tim chưa được chú trọng, các bệnh lý van tim hậu thấp (như bệnh hẹp hở van hai lá, van ĐMC…) là nguyên nhân chủ yếu gây suy tim. Hiện nay, các bệnh lý tim mạch – chuyển hóa đang là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy tim (bao gồm tăng huyết áp, bệnh mạch vành…). Một số nguyên nhân khác ít gặp hơn như bệnh tim bẩm sinh, bênh cơ tim; hoặc suy tim do sử dụng độc chất cho tim như rượu, hóa chất điều trị ung thư, ma túy.

Điều trị suy tim

Để điều trị bệnh suy tim hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn thay đổi lối sống khoa học kết hợp sử dụng các loại thuốc với liều lượng và thời gian theo chỉ định. Dưới đây là một số biện pháp điều trị suy tim hiệu quả đang được áp dụng:

Điều chỉnh lối sống: Duy trì lối sống lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh suy tim, bao gồm: ăn giảm muối, tăng cường rau xanhhoa quả tươi, nên lựa chọn các thực phẩm giàu protein, hạn chế rượu bia, ngưng hút thuốc lá; cần có chế độ hoạt độngtập luyện thể lực đều đặn phù hợp với mức độ suy tim, nghỉ ngơi hợp lý, không được gắng sức quá mức và tránh căng thẳng.

Điều trị bằng thuốc: Tuỳ theo giai đoạn của bệnh, triệu chứng hiện mắc và các bệnh đi kèm của bệnh nhân suy tim mà các bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc uống phù hợp. Các thuốc điều trị nền tảng bao gồm: Thuốc ức chế hệ Renin - Angiotensin (thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể angiotensin) có tác dụng giãn mạch và giảm huyết áp, từ đó giảm gánh nặng cho tim; Thuốc ức chế kép neprilysin và angiotensin (ARNI) hiệp đồng giữa tác dụng giãn mạch và lợi tiểu giúp cải thiện triệu chứng và kéo dài tuổi thọ; Thuốc chẹn beta giao cảm (gồm 4 thuốc: Metopronol, Bisopronol, Carvedinol và Nebivonol) giúp ổn định huyết áp và nhịp tim, giảm tử vong do suy tim; Thuốc lợi tiểu kháng Aldosterone thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển Natri-glucose 2 tại ống thận (ức chế SGLT2 –  như Empaglipflozin và Dapaglipflozin) góp phần quan trọng trong việc cải thiện triệu chứng suy tim, giảm nhập viện và giảm tử vong. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê đơn các thuốc điều trị để giảm triệu chứng cấp của suy tim (thuốc lợi tiểu thiazide hoặc furosemide), và các thuốc điều trị bệnh mắc kèm khác như: thuốc chống loạn nhịp, thuốc kháng đông...

Dự phòng suy tim như thế nào?

Đây là câu hỏi được rất nhiều người bệnh quan tâm. Các cách phòng ngừa suy tim đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh và bảo vệ sức khỏe tim mạch. Sau đây là một số biện pháp hỗ trợ phòng ngừa bệnh suy tim mà tất cả mọi người đều nên áp dụng:

- Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá lipid.

- Hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ. Không nên ăn phủ tạng động vật; nên ăn giảm muối, hạn chế rượu bia, và ăn nhiều hoa quả và rau xanh.

- Tăng cường vận động, tập thể dục đều đặn, luôn vui vẻ, lạc quan. Không được làm việc và hoạt động quá sức. Khám sức khỏe định kỳ, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

            Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh suy tim Bệnh viện Lão khoa Trung ương muốn giới thiệu đến người bệnh và người nhà người bệnh. Để có thể điều trị hiệu quả căn bệnh này, chúng ta cần theo dõi và phát hiện kịp thời những triệu chứng của bệnh, đặc biệt là việc thực hiện các biện pháp dự phòng. Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp người bệnh có thêm những thông tin hữu ích để chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ tốt nhất.