Kỷ cương - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Tận tâm

SINH HOẠT CÂU LẠC BỘ NGƯỜI BỆNH SA SÚT TRÍ TUỆ VÀ NGƯỜI CHĂM SÓC: HƯỚNG DẪN LÀM HỘP KÝ ỨC CẢI THIỆN TRÍ NHỚ CHO NGƯỜI MẮC SA SÚT TRÍ TUỆ

       Ngày 30/7/2024, Câu lạc bộ người bệnh sa sút trí tuệ và người chăm sóc tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương tổ chức buổi sinh hoạt với chủ đề “Hướng dẫn làm Hộp ký ức cải thiện trí nhớ cho người mắc sa sút trí tuệ".
       Phát biểu tại chương trình, PGS.TS Nguyễn Thanh Bình – Giám đốc trung tâm Nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ, Bệnh viện Lão khoa TW chia sẻ: “Những năm gần đây, bên cạnh việc điều trị suy giảm nhận thức và các rối loạn tâm thần kèm theo ở người mắc sa sút trí tuệ thì việc xây dựng kế hoạch hỗ trợ bằng các phương pháp không dùng thuốc như các bài tập nhận thức và trí nhớ, liệu pháp hồi tưởng… cũng sẽ giúp người bệnh có thể rèn luyện trí nhớ, tăng cường giao tiếp và kết nối người bệnh với gia đình”.
      Tại buổi sinh hoạt, BSCKII. Nguyễn Thị Thanh Bình – Chủ nhiệm Câu lạc bộ người bệnh sa sút trí tuệ và người chăm sóc đã cung cấp những kiến thức cơ bản về các dạng trí nhớ và hiệu quả của “Hộp ký ức” đối với người bệnh sa sút trí tuệ. “Hộp ký ức” được xây dựng dựa trên phương pháp trị liệu nhớ lại và các liệu pháp ký ức, là một công cụ giúp người mắc sa sút trí tuệ gợi nhớ lại những kỷ niệm và cảm xúc; giúp kích hoạt, khơi gợi lại trí nhớ dài hạn đối với người bệnh. Việc sử dụng thường xuyên "Hộp ký ức" sẽ giúp kích thích nhận thức; cải thiện tâm lý và cảm xúc; tăng tương tác và giao tiếp xã hội; giảm các hành vi kích động, lo lắng….
     Cũng trong chương trình, KTV Nguyễn Thị Cúc – Khoa Phục hồi chức năng đã hướng dẫn cách làm Hộp ký ức dựa trên các vật dụng quen thuộc, dễ kiếm như hộp, đồ trang trí và các vật kỷ niệm mà người tham gia mang đến. Buổi sinh hoạt đã diễn ra rất sôi nổi và đầy cảm xúc khi người bệnh sa sút trí tuệ và người chăm sóc cùng nhau chia sẻ những kỷ niệm quý giá và xúc động thông qua những hình ảnh, đồ lưu niệm, câu hát gợi nhớ đến những kỷ niệm quan trọng trong cuộc đời của người bệnh.
     Đây là hoạt động thường kỳ của Câu lạc bộ, giúp người bệnh sa sút trí tuệ và người chăm sóc cập nhật các phương pháp can thiệp không dùng thuốc, tăng cường khả năng sống độc lập cho người bệnh và giảm gánh nặng cho người chăm sóc.