Bệnh đái tháo đường là một bệnh lý mạn tính có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là ở bàn chân. Biến chứng bàn chân thường gặp ở người bệnh mắc đái tháo đường lâu năm nhưng nó cũng có thể là biểu hiện đầu tiên giúp phát hiện bệnh lý này.
Người bệnh với biến chứng bàn chân đái tháo đường thường bị ảnh hưởng lớn trong sinh hoạt hàng ngày, chất lượng cuộc sống giảm trong khi chi phí điều trị tăng cao. Chính vì vậy, việc phòng ngừa biến chứng bàn chân khi bị đái tháo đường là vô cùng quan trọng. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn một số cách thức chăm sóc bàn chân cơ bản:
1. Kiểm tra bàn chân hàng ngày: Người bệnh nên kiểm tra bàn chân hàng ngày ở nơi đủ ánh sáng, từng ngón chân, lòng bàn chân, gót chân và các kẽ ngón chân. Việc này giúp phát hiện sớm các vết nứt, phồng rộp, viêm đỏ, sưng hay dấu hiệu nhiễm trùng, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.
2. Giữ bàn chân sạch và khô: Rửa kỹ bàn và kẽ ngón chân bằng nước ấm và xà phòng trung tính, sau đó lau khô kỹ, đặc biệt là các kẽ ngón chân, không ngâm chân trong nước lâu, dùng kem làm ẩm da nếu da chân khô.
3. Phòng tránh bỏng: Kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm (tốt nhất bằng nhiệt kế với nhiệt độ nước luôn dưới 37ºC), không sưởi ấm chân bằng các phương pháp như sưởi bằng lò than, viên gạch nung nóng; không dùng nước nóng để xông hơi bàn chân, đốt lá hơ chân…
4. Chăm sóc móng chân: Không để móng chân mọc quá dài, cắt móng chân sau khi tắm lúc móng còn mềm, cắt móng chân thẳng ngang và không quá ngắn.
5. Đi giầy, dép và tất phù hợp: Không đi chân trần kể cả ở trong nhà, đi giầy dép vừa chân, thoải mái, không gây cọ xát. Thay tất hàng ngày, chọn loại tất thấm hút tốt, mũi tất không bị chật. Kiểm tra giày trước khi đi để đảm bảo không có vật lạ gây các vết thương.
6. Tránh những hành động gây tổn thương: Không bắt chéo chân trong thời gian dài để đảm bảo tưới máu bàn chân đầy đủ; không tự ý cắt các vết chai chân, móng quặp; không dùng vật sắc nhọn để chọc các bóng nước; không dùng các loại lá cây, cỏ đắp vào vùng chân có tổn thương; không tự điều trị các nhiễm trùng bàn chân tại nhà.
7. Thực hiện các bài tập: Vận động bàn chân, ngón chân hàng ngày như đi bộ, đi xe đạp nhẹ nhàng để đảm bảo tuần hoàn máu đến bàn chân
8. Khám bàn chân định kỳ: Thăm khám định kỳ bàn chân để kiểm tra tình trạng bàn chân và phát hiện sớm các biến chứng.
Biến chứng bàn chân đái tháo đường là một biến chứng nguy hiểm. Vì lý do đó mỗi người bệnh nên quan tâm thực hiện chăm sóc bàn chân tại nhà. Trong trường hợp tổn thương, xuất hiện vết loét và có các triệu chứng bất thường, nghi ngờ biến chứng bàn chân đái tháo đường, người bệnh nên đi khám sớm để được tư vấn, điều trị hiệu quả.
Tài liệu tham khảo: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị loét bàn chân do đái tháo đường của Bộ Y tế ban hành ngày 24/3/2023.