Kỷ cương - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Tận tâm

TƯ VẤN GIÁO DỤC SỨC KHỎE CHO NGƯỜI CAO TUỔI: CÚM MÙA Ở NGƯỜI CAO TUỔI VÀ HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG INSULIN ĐIỀU TRỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

    Sáng ngày 02/10/2024, Khoa Khám bệnh – Bệnh viện Lão Khoa TW đã tổ chức chương trình tư vấn giáodục sức khỏe định kỳ cho người bệnh, người nhà người bệnh với 02 chủ đề: Cúm mùa ở người cao tuổi và hướng dẫn sử dụng insulin điều trị đái tháo đường.
    Với khí hậu chuyển lạnh, mưa ẩm thất thường cùng tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng là điều kiện thuận lợi cho cúm mùa phát triển và lây lan. Mặc dù đa số các trường hợp nhiễm cúm mùa có thể tự khỏi sau 5 – 7 ngày, tuy nhiên bệnh có thể tiến triển nặng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong, đặc biệt trên người cao tuổi hoặc người có bệnh lý nền. Trong buổi tư vấn, TS.BS Hà Thị Vân Anh – Phó Trưởng khoa khám bệnh đã hướng dẫn người bệnh, người nhà người bệnh cách nhận biết các dấu hiệu triệu chứng, biến chứng của cúm mùa cũng như cách phòng tránh và những việc cần làm khi bị nhiễm cúm. Đồng thời, TS.BS Vân Anh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin cúm mùa hàng năm, không chỉ giúp phòng ngừa nhiễm cúm còn giúp giảm nguy cơ: mắc các biến chứng nặng, nguy cơ nhập viện và tử vong liên quan đến cúm.
    Đái tháo đường là bệnh phổ biến thường gặp ở người cao tuổi. Nếu đường huyết không được kiểm soát tốt, bệnh đái tháo đường có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh. Tại buổi tư vấn, ThS.BS Vũ Thị Thanh Thủy đã truyền tải đến người bệnh, người nhà người bệnh một cách đầy đủ, chi tiết về chế độ ăn, chế độ tập luyện, thuốc điều trị của người bệnh đái tháo đường và hướng dẫn sử dụng insulin trong điều trị đái tháo đường, đồng thời cũng nhấn mạnh đến một số sai lầm trong việc tiêm insulin như: sai vị trí, sai thời điểm, kỹ thuật sai, sai liều, sai loại insulin, bảo quản sai.
   Truyền thông giáo dục sức khoẻ là hoạt động thường xuyên được Bệnh viện Lão khoa TW tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, giúp người bệnh, người nhà người bệnh nâng cao nhận thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe bản thân cũng như giúp tăng cường sự giao tiếp hiệu quả giữa người bệnh và nhân viên y tế.