Kỷ cương - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Tận tâm

CHĂM SÓC GIẢM NHẸ TRÊN NGƯỜI CAO TUỔI: KHÔNG CHỈ DÀNH CHO NGƯỜI BỆNH UNG THƯ

Nguyễn Xuân Thanh

Khoa Điều Trị Giảm Nhẹ, BV Lão Khoa TW

Sự hiểu lầm về chăm sóc giảm nhẹ vẫn tồn tại, nghĩa là một số người có thể hưởng lợi nhưng lại không muốn tìm kiếm nó, và có khả năng bỏ lỡ chất lượng cuộc sống được cải thiện.

Chăm sóc giảm nhẹ là gì?

Không giống như phần lớn các dịch vụ chăm sóc y tế tập trung vào đảo ngược hoặc chữa khỏi các vấn đề sức khỏe khác nhau, chăm sóc giảm nhẹ là dịch vụ chăm sóc y tế chuyên khoa dành cho những người mắc các bệnh nghiêm trọng và/hoặc lâu dài. Chăm sóc giảm nhẹ là một phương pháp chăm sóc liên ngành nhằm tối ưu hóa chất lượng cuộc sống và giảm bớt đau khổ liên quan đến sức khỏe ở những người mắc bệnh nghiêm trọng và gia đình họ.

Chăm sóc giảm nhẹ đôi khi bị nhầm lẫn với chăm sóc cuối đời và thường được hiểu là người bệnh và chuyên gia chăm sóc sức khỏe của họ không còn cách nào chữa khỏi bệnh nữa, nhưng điều này HOÀN TOÀN KHÔNG ĐÚNG. Các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ chỉ hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân và những người thân yêu của họ, bất kể vấn đề y tế có thể điều trị được hay không.

Ai nên được chăm sóc giảm nhẹ?

Câu trả lời ngắn gọn là nhiều người hơn nữa nên được chăm sóc giảm nhẹ trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố rằng hiện chỉ có khoảng 14% trong số 56,8 triệu bệnh nhân cần được chăm sóc giảm nhẹ trên toàn thế giới đang được chăm sóc. Dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ lý tưởng cho bất kỳ bệnh nhân nào mắc các bệnh nghiêm trọng hoặc mạn tính.

Vì người lớn tuổi tuổi có xu hướng phải đối mặt với tỷ lệ cao mắc các bệnh như ung thư, sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer, suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh Parkinson, đái tháo đường, suy thận và đa bệnh lý, nên NGƯỜI CAO TUỔI THƯỜNG LÀ ỨNG CỬ VIÊN HÀNG ĐẦU cho dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ. Một nhóm chăm sóc giảm nhẹ có thể giúp ích rất nhiều ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh và sẽ hữu ích hơn nếu được cung cấp sớm.

Chăm sóc giảm nhẹ được thực hiện như thế nào?

Đầu tiên một cuộc thảo luận cởi mở, thẳng thắn về các nhu cầu và mong muốn điều trị, không chỉ dựa trên các triệu chứng cụ thể mà còn trên các khía cạnh khác như tâm lý, tâm linh, xã hội. Điều này tạo tiền đề để lập kế hoạch điều trị và đưa ra những lời khuyên hữu ích.

Nhóm chuyên gia đa ngành (bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ, chuyên gia dinh dưỡng, phục hồi chức năng, tâm lý, điều dưỡng và công tác xã hội) sẽ xây dựng một kế hoạch chăm sóc cụ thể để đáp ứng nhu cầu của mỗi người bệnh và gia đình của họ.

Các chuyên gia chăm giảm nhẹ rất quen thuộc với nhiều tình huống khác nhau và những quyết định khó khăn mà người bệnh và gia đình phải đưa ra khi đối mặt với các bệnh mạn tính nghiêm trọng và lâu dài.

Tương tự như vậy, các nhân viên công tác xã hội chăm sóc giảm nhẹ có thể giúp giải quyết nhiều yếu tố gây căng thẳng đi kèm với những lo lắng nghiêm trọng về sức khỏe. Kế hoạch chăm sóc giảm nhẹ phù hợp sẽ giải quyết được tất cả những vấn đề về lập kế hoạch tài chính cho gia đình, giúp giải quyết các mẫu thuẫn và thậm chí là những lo lắng về mặt tâm linh.

Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của kế hoạch chăm sóc giảm nhẹ tất nhiên là việc quản lý các triệu chứng mạn tính. Các chuyên gia chăm sóc giảm nhẹ sẽ giúp người bệnh hoặc người thân của họ tìm ra phương pháp điều trị hoặc thuốc phù hợp để làm giảm các triệu chứng. Đặc biệt là những đau đớn thường gặp trong hội chứng Parkinson giai đoạn cuối, khó thở trong bệnh COPD, đau thần kinh trong đái tháo đường và những rối loạn hành vi- tâm lý trong hội chứng sa sút trí tuệ, …

Ngoài việc kê đơn thuốc để giảm đau và các triệu chứng khó chịu khác, nhóm chăm sóc giảm nhẹ có thể hướng dẫn bệnh nhân các kỹ thuật tự chăm sóc để giảm bớt các tác nhân gây căng thẳng khác và cải thiện sự thoải mái. Các phương pháp như thiền, yoga (trong khả năng thể chất của bệnh nhân), các kỹ thuật thở, các bài tập kéo giãn và thậm chí là nghe nhạc thư giãn đều có thể được gợi ý tùy thuộc vào nhu cầu của bệnh nhân.

Lợi ích của chăm sóc giảm nhẹ trên người cao tuổi

Mục tiêu của chăm sóc giảm nhẹ là cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh và hỗ trợ gia đình họ. Một số lợi ích của chăm sóc giảm nhẹ có thể bao gồm:

  •     Cải thiện triệu chứng.
  •     Cải thiện chất lượng cuộc sống.
  •     Giảm nguy cơ trầm cảm.
  •     Kéo dài thời gian sống.
  •     Hỗ trợ trong việc đưa ra quyết định.
  •     Hỗ trợ cho các thành viên gia đình và người chăm sóc
  •     Cải thiện sự hài lòng của người chăm sóc.
  •