Kỷ cương - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Tận tâm

ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VÀ SỨC KHỎE RĂNG MIỆNG

   Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh lý phổ biến hiện nay và được xem là một trong những bệnh lý nguy hiểm dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác cho cơ thể.

   Người mắc đái tháo đường có nguy cơ gặp phải các vấn đề về sức khỏe răng miệng cao hơn những người khác. Khi lượng đường trong máu không được kiểm soát tốt, các biến chứng răng miệng như sâu răng, khô miệng, viêm lợi, viêm nha chu…có thể xuất hiện và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

   Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ về bệnh đái tháo đường ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng như thế nào và những giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa các biến chứng răng miệng trên bệnh nhân mắc đái tháo đường.

 1. Ảnh hưởng của Đái tháo đường đến sức khỏe răng miệng:

   Người bệnh đái tháo đường dễ mắc bệnh răng miệng như viêm lợi, viêm nha chu.... hơn người bình thường nếu vệ sinh răng miệng không tốt, tình trạng bệnh có thể tiến triển nặng nề hơn khi không được điều trị kịp thời dẫn đến lung lay răng và mất răng.

   Giảm lưu lượng máu đến lợi răng: Lượng đường trong máu cao có thể gây tổn thương và làm hẹp các mạch máu, hạn chế lưu lượng máu đến nuôi dưỡng ở lợi răng. Lợi răng thiếu oxy và nuôi dưỡng , dẫn đến suy yếu, dễ bị tổn thương viêm nhiễm hơn.

   Suy giảm sức đề kháng: Bệnh đái tháo đường khiến hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu (một số nghiên cứu chỉ ra rằng ĐTĐ làm suy giảm chức năng của các Bạch cầu dẫn đến giảm khả năng chống lại vi khuẩn của cơ thể; ngoài ra ĐTĐ còn làm tăng tiết các hoạt chất gây viêm từ đó làm tăng tốc độ phá hủy mô xương ổ răng và mô lợi) làm tăng nguy cơ nhiễm trùng răng lợi và mắc bệnh nha chu. Bệnh nha chu tiến triển nặng có thể dẫn đến tiêu xương, lung lay răng, và mất răng gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống do giảm khả năng ăn nhai.

   Sâu răng: Lượng đường trong máu cao tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh mẽ trong khoang miệng, hình thành mảng bám trên răng. Khi các mảng bám không được loại bỏ kịp thời sẽ chuyển hóa thành axit, tấn công tổ chức cứng của răng dẫn đến sâu răng.

   Nguy cơ mắc các bệnh lý răng miệng khác: Bệnh nhân ĐTĐ có nguy cơ cao mắc bệnh tưa miệng, nấm miệng, khô miệng và viêm loét miệng khác.

2. Các giải pháp ngăn ngừa biến chứng răng miệng ở người đái tháo đường:

   Người đái tháo đường có nguy cơ cao mắc các bệnh lý răng miệng do lượng đường trong máu cao tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Để phòng ngừa các biến chứng răng miệng nguy hiểm, người bệnh cần chú trọng đến chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt, kiểm soát đường huyết và chăm sóc răng miệng hàng ngày đúng cách.

2.1 Chế độ ăn uống hợp lý:

   Hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột: Đường là thức ăn cho vi khuẩn sinh sôi phát triển làm tăng nguy cơ sâu răng, viêm lợi.

   Bổ sung trái cây, rau xanh: Cung cấp vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể, tăng cường sức đề kháng.

   Uống đủ nước: Giúp cơ thể đào thải độc tố, giảm khô miệng, giúp môi trường miệng lành mạnh làm giảm sự phát triển của vi khuẩn có hại.               

                                             

2.2 Thói quen sinh hoạt khoa học:

   Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá làm giảm khả năng chống nhiễm trùng, tăng nguy cơ mắc bệnh nha chu và tưa miệng, hôi miệng.

   Ngủ đủ giấc: Giúp cơ thể phục hồi sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch.

   Giảm căng thẳng: Căng thẳng (Stress) ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe răng miệng, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.

2.3 Kiểm soát tốt đường huyết:

   Theo dõi đường huyết thường xuyên giúp phát hiện sớm và điều chỉnh kịp thời các biến động của đường huyết, ngăn ngừa các biến chứng.

   Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ: Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định, kết hợp chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý.

2.4 Chăm sóc răng miệng kỹ lưỡng:

   Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày: sau các bữa ăn và trước khi đi ngủ bằng kem đánh răng có chứa fluoride để phòng ngừa bệnh sâu răng và viêm lợi; Sử dụng bàn chải lông mềm, chải kỹ lưỡng từng kẽ răng và các bề mặt của răng. Chú ý phải thay bàn chải mới  khi lông bàn chải toè, mòn hoặc xơ cứng.

 

   Tập thói quen sử dụng chỉ tơ nha khoa hàng ngày để loại bỏ mảng bám và thức ăn thừa trong kẽ răng, ngăn ngừa sâu răng và viêm lợi vùng kẽ.

   Khám răng miệng định kỳ mỗi 6 tháng/lần nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời các vấn đề răng miệng, ngăn ngừa biến chứng tiến triển trầm trọng hơn.

   Bằng cách áp dụng các biện pháp phòng ngừa nêu trên, người bệnh đái tháo đường có thể bảo vệ sức khỏe răng miệng hiệu quả hơn, giảm thiểu nguy cơ biến chứng xảy ra và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.

   Phòng khám Răng hàm mặt - Bệnh viện Lão khoa TW hiện tại là nơi tiếp nhận điều trị ban đầu cho các bệnh nhân có bảo hiểm y tế đúng tuyến, đồng thời bệnh viện có thực hiện khám chữa bệnh theo yêu cầu các bệnh lý răng miệng thường gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó đặc biệt là đối tượng người cao tuổi.

  Để đặt lịch khám xin vui lòng liên hệ: Trung tâm Khám chữa bệnh Theo yêu cầu & Quốc tế - Bệnh viện Lão Khoa Trung ương.

  SĐT : 0243.225 2442 - Hotline : 0963.590.006

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. World Health Organisation (2023), Diabetes Programme, available at: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/diabetes
  2. World Health Organisation (2024), Diabetes, Available at: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/oral-health
  3. Nguyễn Bích Vân, Hà Thị Bảo Đan (2015), Nha chu học, Tập 1, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
  4. Nguyễn Xuân Thực (2011), Nghiên cứu bệnh quanh răng ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 tại Bệnh viện nội tiết trung ương và đánh giá hiệu quả can thiệp, Luận án Tiến sĩ, Trường đại học Y Hà Nội.
  5. Lưu Hồng Hạnh, Hoàng Thị Hà Anh, Phạm Dương Hiếu (2015), Một số yếu tố liên quan đến thực trạng bệnh quanh răng ở người cao tuổi khu vực nội thành Hà Nội, VNU J Sci Med Pharm Sci. 2016;32(2)
  6. Mealey B.L., Ocampo G.L (2007), Diabetes mellitus and periodontal disease. Periodontology, 44: 127-153.
  7. 7. Banyai, D. et al.(2021), Oral Health Knowledge and Habits of People With Type 1 and Type 2 Diabetes.  Dent. J.,72(3): 407-413. Doi: 10.1016/j.identj.2021.07.003
  8. Cục Y tế dự phòng (2019), Dinh dưỡng hợp lý đối với người bị bệnh đái tháo đường:

https://vncdc.gov.vn/dinh-duong-hop-ly-doi-voi-nguoi-bi-benh-dai-thao-duong-nd14913.html