I. Định nghĩa
Thoái hóa khớp gối hay còn gọi là thoái hóa sụn khớp gối, là tình trạng lớp đệm tự nhiên (sụn) của khớp gối bị mài mòn, dẫn đến các đầu xương cọ xát vào nhau gây sưng, đau, cứng khớp, khó đi lại.
Bệnh thường gặp ở nữ giới, chiếm khoảng 80% tổng số ca mắc. Bệnh hay gặp ở tuổi trung niên, đặc biệt phụ nữ tuổi mãn kinh và người béo phì.
II. Nguyên nhân thường gặp của thoái hóa khớp gối
Quá trình thoái hóa: tuổi càng cao nguy cơ thoái hóa khớp càng tăng do khả năng tự chữa lành của sụn khớp giảm dần theo thời gian.
Thừa cân béo phì làm tăng áp lực lên khớp gối, gây phá hủy khớp nhiều hơn hoặc do bẩm sinh (chân chữ X hoặc chân chữ O).
Chấn thương vùng gối lặp đi lặp lại khiến trục khớp thay đổi hoặc các tổn thương viêm tái diễn tại gối (viêm khớp dạng thấp, Gout...)
III. Triệu chứng và các giai đoạn của thoái hóa khớp gối
Các giai đoạn của thoái hóa khớp gối
Giai đoạn 1: người bệnh chưa thấy đau rõ ràng do sự mài mòn các thành phần chưa đáng kể, trên phim X-quang có thể thấy hình ảnh gai xương nhỏ.
Giai đoạn 2: người bệnh có thể thấy đau gối sau khi đi bộ/chạy bộ quãng xa, đau khi quỳ gối, thấy hình ảnh gai xương rõ ràng trên phim X-quang.
Giai đoạn 3: thoái hóa khớp gối mức độ trung bình. Người bệnh thấy đau gối thường xuyên khi đi bộ, chạy, gập gối, cứng khớp khi ngủ dậy, sưng khớp khi vận động liên tục, kéo dài. Trên phim X-quang thấy hẹp khe khớp rõ.
Giai đoạn 4: thoái hóa khớp mức độ nặng, người bệnh cảm giác đau gối xuất hiện liên tục khi đi bộ hoặc cử động khớp, cứng khớp, sưng, nóng khớp gối theo đợt. Trên phim X-quang thấy hình ảnh hẹp khe khớp rõ kèm đặc xương dưới sụn.
A- Thoái hóa khớp gối độ 1: gai xương nhỏ.
B- Thoái hóa khớp gối độ 2: gai xương rõ ràng.
C- Thoái hóa khớp gối độ 3: Hẹp khe khớp.
D- Thoái hóa khớp gối độ 4: Hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn.
IV. Chẩn đoán bệnh
Quá trình chẩn đoán bệnh dựa vào bệnh sử, thăm khám lâm sàng kết hợp các cận lâm sàng: X-quang, siêu âm, chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm dịch khớp (nếu có)...
Khám lâm sàng
- Nhìn: dáng đi khập khiễng, chênh lệch chiều dài chi chức năng (do chân thoái hóa thường bị co rút nên cảm giác ngắn hơn), gối sưng, đỏ, gối vẹo trong hay ngoài...
- Sờ: thấy gai xương dọc theo các lồi cầu xương đùi, phát hiện các điểm đau cạnh xương bánh chè, tại bao hoạt dịch của các cơ chân ngỗng, dấu hiệu tràn dịch khớp gối...
- Tầm vận động khớp bị hạn chế do tràn dịch, gai xương, co rút, gấp hoặc duỗi gối thụ động gây đau. Dấu hiệu lỏng lẻo của khớp gối do tổn thương dây chằng.
Cận lâm sàng
- X-quang khớp gối: chẩn đoán thoái hóa khớp và phân độ.
- Siêu âm khớp đánh giá mức độ hẹp khe khớp, tràn dịch khớp gối, gai xương, đo độ dày sụn khớp, viêm màng hoạt dịch khớp, bệnh lý phát hiện các mảnh sụn thoái hóa bong vào trong ổ khớp.
- Cộng hưởng từ (MRI): quan sát hình ảnh khớp trong không gian ba chiều, nhờ vậy đánh giá được các tổn thương sụn chêm, dây chằng, màng hoạt dịch...
- Các xét nghiệm: máu lắng bình thường, dịch khớp < 1000 tế bào/mm3.
V. Điều trị
1. Nguyên tắc điều trị
- Giảm đau.
- Phục hồi chức năng vận động của khớp.
- Phòng và hạn chế biến dạng khớp.
2. Điều trị nội khoa
- Thuốc giảm đau: Paracetamol 1-2 g/ngày, Paracetamol kết hợp Tramadol
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Celecoxib 200 mg/ngày, Etoricoxib 60- 90 mg/ngày, Diclofenac hoặc Ketoprofen bôi ngoài da,..
- Thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm (Sysadoa): Glucosamin sulphate (1,5g/ngày), Diacerein (100 mg/ngày), Chondroitin sulphate, các chất không xà phòng hóa từ đậu nành/bơ (Piasclendin).
- Tiêm nội khớp:
+ Corticoid (Hydrocortison acetat).
+ Chất nhờn (Acid hyaluronic).
+ Cấy ghép tế bào gốc: huyết tương giàu tiểu cầu (PRP), tế bào gốc từ mỡ tự thân, từ tủy xương.
3. Điều trị ngoại khoa
- Điều trị dưới nội soi khớp: giúp làm sạch các mảnh sụn di động, sụn chêm bị rách và các gai xương,..
- Các phẫu thuật cắt chỉnh xương để giảm tải lên khoang khớp bị ảnh hưởng nhưng không giải quyết triệt để triệu chứng và cần thời gian hồi phục lâu dài.
Thay khớp gối một phần hoặc toàn bộ chỉ định với trường hợp thoái hóa khớp gối nặng.
4. Điều trị không dùng thuốc: đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giảm đau, cải thiện chức năng và chất lượng cuộc sống của người bệnh thoái hóa khớp gối.
- Tư vấn giảm cân bởi chuyên gia dinh dưỡng với những bệnh nhân thừa cân, béo phì giúp giảm bớt áp lực lên khớp gối.
- Chỉ dẫn các hoạt động cần tránh khi bị thoái hóa khớp gối: nhảy, chạy bộ, đứng lâu, quỳ, gập đầu gối quá mức, leo cầu thang...
- Người bệnh được hướng dẫn sử dụng các dụng cụ trợ giúp đi lại: khung, gậy giúp giảm tải lên khớp gối, nhờ đó giúp giảm đau. Đồng thời giúp giảm nguy cơ té ngã ở những bệnh nhân thăng bằng kém. Nẹp gối giảm tải lực lên khoang khớp. Những bệnh nhân có lệch trục khớp có thể xem xét điều chỉnh giày dép bằng miếng chêm giày, dép, hoặc chêm nâng gót nếu chênh lệch chiều dài chi.
- Điều trị bằng vật lý trị liệu: Tại khoa Phục hồi chức năng, người bệnh tùy tình trạng bênh, giai đoạn và mức độ đau sẽ được chỉ định các phương pháp điện xung, siêu âm, từ trường, hồng ngoại... cũng như điện châm giúp giảm đau, giảm viêm hiệu quả, nhanh chóng, ít tác dụng phụ.
- Điều trị bằng siêu âm: sử dụng hiệu quả nhiệt nông, nhiệt sâu, và các tác dụng phi nhiệt làm giảm đau, lành vết thương. Mức độ đau nhiều được chỉ định siêu âm dẫn thuốc (Voltarel Emugel, Fastumgel) để tăng tác dụng.
- Điều trị bằng điện trị liệu: sử dụng kích thích điện xuyên da để giảm đau, thường dùng dòng TENS.
- Điều trị bằng điện từ trường: chống viêm, giảm đau, giảm phù nề, tăng tuần hoàn ngoại vi...
- Điều trị bằng nhiệt trị liệu: với giai đoạn mãn tính các phương pháp như hồng ngoại, từ trường nhiệt giúp giảm đau, giảm viêm, giảm phù nề, giảm cứng khớp... với giai đoạn viêm cấp tính nên chườm đá.
- Điều trị bằng điện châm: giúp kiểm soát tình trạng đau theo cả cơ chế thần kinh và thể dịch.
Điều trị bằng siêu âm Điều trị bằng từ trường
Chương trình tập luyện với thoái hóa khớp gối như thế nào?
- Tùy theo mức độ đau và tình trạng của khớp gối, mỗi bệnh nhân sẽ có chương trình luyện tập khác nhau.
- Giai đoạn đau nhiều sẽ được hướng dẫn các bài tập gồng cơ tĩnh cơ tứ đầu đùi, đặt tư thế đúng để tránh co rút gập gối.
- Tập tăng cường sức mạnh nhóm cơ chi dưới đặc biệt nhóm cơ đùi bằng các bài tập kháng trở. Mức kháng trở tăng dần theo thời gian và tình trạng bệnh.
- Tăng sức bền: tập với xe đạp tập, đi bộ trên thảm lăn, khuyến khích người bệnh bơi lội, tập yoga, đi bộ dưới nước...
- Kéo dãn các nhóm cơ mặt trước đùi (tứ đầu), mặt sau đùi (tam đầu đùi) để giảm đau, cải thiện tầm vận động khớp gối.
- Các bài tập cải thiện thăng bằng và cảm thụ bản thể.
Tập với xe đạp tập Tập đi bộ trên thảm lăn Treadmill
Tập thăng bằng Tập mạnh cơ tứ đầu đùi