Đái tháo đường là bệnh lý mãn tính do rối loạn chuyển hóa gây ra, biểu hiện bằng lượng đường trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường. Bệnh nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây ra nhiều biến chứng tổn thương các cơ quan như tim mạch, thần kinh, thận, mắt…Sử dụng thuốc, chế độ dinh dưỡng hợp lý, hoạt động thể lực phù hợp sẽ giúp người bệnh kiểm soát đường máu và giảm nguy cơ mắc các biến chứng do bệnh gây ra.
Một số người bệnh Đái tháo đường ăn kiêng khem quá mức dẫn tới hạ đường huyết đột ngột hoặc lâu dài có thể gây ra tình trạng thiếu dinh dưỡng mà đường máu cũng không được kiểm soát một cách tối ưu. Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh đái tháo đường phải dựa trên thể trạng, cân nặng, mức độ tiêu hao năng lượng, thói quen ăn uống của người bệnh.
Người bệnh đái tháo đường cần lưu ý một số nguyên tắc trong chế độ ăn giúp kiểm soát đường huyết và đạt được tình trạng dinh dưỡng tốt nhất:
1. Chế độ dinh dưỡng cung cấp đủ bốn nhóm thực phẩm:
Một chế độ ăn đa dạng, đảm bảo cân đối 4 nhóm thực phẩm bao gồm: nhóm thực phẩm giàu chất bột đường, chất đạm, chất béo, rau xanh và quả chín sẽ cung cấp đủ năng lượng, chất dinh dưỡng giúp cơ thể hoạt động và kiểm soát đường huyết tốt hơn. Với người bệnh Đái tháo đường là người cao tuổi, việc đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng không chỉ giúp kiểm soát đường huyết mà còn giúp cơ thể phòng ngừa suy dinh dưỡng, mất khối cơ, loãng xương, thiếu máu…
Lượng thực phẩm ăn vào của các nhóm ước tính khoảng 55- 60% năng lượng từ nhóm thực phẩm giàu chất bột đường, 15-20% năng lượng từ thực phẩm giàu chất đạm, 20-25% thực phẩm giàu chất béo.
2. Lựa chọn những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp:
Chỉ số đường huyết GI (Glycaemic Index) của thực phẩm là chỉ số đánh giá sự tăng đường huyết sau ăn của một loại thực phẩm nào đó. Chỉ số đường huyết của thực phẩm được phân loại như sau:
- Thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp khi GI ≤ 55 như các loại thực phẩm nguyên hạt hoặc còn nhiều chất xơ như gạo lứt, gạo giã dối, bánh mì đen, rau xanh…
- Thực phẩm có chỉ số đường huyết trung bình khi GI 56 - 69 như các loại thịt, cá, các loại hạt…
- Thực phẩm có chỉ số đường huyết cao khi GI ≥ 70 như bánh kẹo ngọt, nước giải khát có đường, bánh mì trắng, một số loại hoa quả nhiều ngọt (nhãn, vải, mít, na, dưa hấu, xoài..)…
Người bệnh Đái tháo đường nên lựa chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp hoặc trung bình. Hạn chế ăn các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao.
3. Kiểm soát tốt huyết áp, mỡ máu cũng rất quan trọng đối với người bệnh Đái tháo đường:
Người bệnh nên ăn vừa phải thực phẩm chứa nhiều chất béo: hạn chế ăn mỡ động vật, nội tạng động vật, da gà, da vịt, dầu mỡ chiên rán ở nhiệt độ cao vì những chất béo này làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch. Nên thay thế mỡ động vật bằng dầu thực vật, mỡ cá vì đây là nguồn cung cấp các chất béo tốt cho cơ thể. Nên ăn cá ít nhất 2-3 lần/tuần.Người bệnh Đái tháo đường có tăng huyết áp nên giảm lượng muối tiêu thụ hàng ngày. Không nên tiêu thụ quá 5 g muối/ngày. Bằng cách hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn như giò, chả, thịt hộp, xúc xích, lạp sườn, mỳ tôm, dưa muối, cà muối…Nên hạn chế uống rượu bia vì nguy cơ dễ tăng cân, hạ đường huyết.
4. Tạo thói quen ăn uống tốt:
Ăn đúng giờ, không bỏ bữa. Tùy thể trạng và đường máu cần kiểm soát mà có thể thêm bữa phụ để tránh tình trạng ăn nhiều vào bữa chính dễ gây tăng đường huyết.
Ăn chậm, nhai kỹ, không nên ăn quá no.
Ổn định lượng thực phẩm trong các bữa ăn giúp ổn định đường máu trong ngày. Tránh tình trạng ngày ăn quá nhiều hoặc ngày ăn quá ít.
Uống đủ nước, nên uống 1.5-2 lít/ngày bao gồm: nước nước lọc, sữa, nước canh…Nên uống ít một, nhiều lần trong ngày, không để đến khi có cảm giác khát mới uống.
5. Duy trì tập luyện và kiểm soát cân nặng:
Nên duy trì cân nặng lý tưởng, tránh tình trạng thừa cân, béo phì hoặc suy dinh dưỡng. Người bệnh Đái tháo đường có thừa cân, béo phì nên có chế độ ăn giảm cân phù hợp tránh tình trạng giảm cân nhanh và mất khối cơ.
Tăng cường vận động phù hợp với tình trạng sức khỏe, khoảng 30-45 phút mỗi ngày. Vận động giúp tiêu hao năng lượng và kiểm soát đường máu tốt hơn.
Với các lưu ý trên, người bệnh Đái tháo đường nên có kế hoạch ăn uống kết hợp tập luyện và lối sống hợp lý, phù hợp với thể trạng và thói quen của bản thân để giúp kiểm soát đường máu tốt nhất.