I. Mở đầu
Thời tiết lạnh đột ngột có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người cao tuổi, đặc biệt với đối tượng có nhiều bệnh mạn tính bởi sự suy giảm hệ miễn dịch và khả năng điều chỉnh thân nhiệt của cơ thể. Vì vậy cần dự phòng và bảo vệ tốt người cao tuổi trước những vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa đông.
II. Các bệnh lý gia tăng khi trời lạnh:
1. Bệnh đường hô hấp: không khí lạnh có là yếu tố thuận lợi để một số virus phát triển như: cảm lạnh thông thường (rhinovirus), cúm (influenza), covid-19, Respiratory syncytial virus-RSV,... Các virus này là căn nguyên gây viêm phổi, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,... Triệu chứng phổ biến thông thường là ho, sốt, mệt mỏi tuy nhiên các trường hợp nghiêm trọng hơn gây khó thở, suy hô hấp thậm chí tử vong.
2. Bệnh tim mạch: khi cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ lạnh đột ngột làm các mạch máu co thắt đột ngột dẫn tới tăng huyết áp tăng nguy cơ đột quỵ não, nhồi máu cơ tim,...
3. Bệnh cơ xương khớp: trời lạnh có thể làm trầm trọng thêm các cơn đau khớp, đặc biệt là ở những người mắc bệnh viêm khớp hoặc thoái hóa khớp. Cảm giác đau và cứng khớp làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và giảm khả năng vận động của người cao tuổi.
4. Các bệnh về chuyển hoá: thời tiết lạnh và xấu nên chún ta thường ưa thích ở trong nhà nên dẫn tới lối sống tĩnh lại, giảm vận động hơn từ đó tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, rồi loạn mỡ máu, đái tháo đường.
5. Các vấn đề về tâm lý: sự thay đổi nhịp ngày/ đêm trong mùa đông cũng gây ảnh hưởng đến nhịp sinh học của cơ thể gây ảnh hưởng đến não bộ làm tăng các bệnh lý: nỗi buồn mùa đông (winter blue), trầm cảm mùa đông (winter SAD),...
6. Tăng nguy cơ ngã, chấn thương: suy giảm vận động cùng thời tiết xấu (ẩm ướt, trơn trượt,...) làm tăng nguy cơ ngã, chấn thương.
III. Dự phòng các vấn đề sức khỏe trong mùa lạnh cho người cao tuổi
Để giúp người cao tuổi vượt qua mùa lạnh an toàn, chúng ta cần chú ý một số biện pháp sau:
1. Biện pháp y tế
- Tuân thủ dùng thuốc và tái khám định kỳ: trời lạnh là 1 trở ngại khiến người bệnh hạn chế ra khỏi nhà. Tuy nhiên người bệnh có các bệnh lý mạn tính hãy cố gắng tái khám định kì và duy trì thuốc đều đặn để tránh các bệnh lí trở nặng hơn.
- Tiêm vắc-xin cúm, phế cầu: người cao tuổi đặc biệt đối tượng trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền như bệnh phổi mãn tính, tim mạch, tiểu đường nên tiêm vắc-xin cúm và phế cầu hàng năm để giảm nguy cơ mắc bệnh do chủng loại này gây ra.
2. Biện pháp trong sinh hoạt hàng ngày
- Giữ ấm cơ thể: người cao tuổi nên mặc đủ ấm, đặc biệt là vùng cổ, tay, chân. Sử dụng chăn ấm khi ngủ và tránh để cơ thể tiếp xúc trực tiếp với không khí lạnh.
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý: cung cấp cho cơ thể những thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và protein giúp tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt, hãy chú ý đến lượng nước uống để tránh mất nước trong mùa lạnh.
- Duy trì tập luyện thể dục: nhằm duy trì sức khoẻ, tăng cường sự dẻo dai và linh hoạt của cơ thể, đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh lý mãn tính như tim mạch, tiểu đường và các vấn đề về cơ xương khớp,...Việc tập thể dục thường xuyên còn giúp giảm căng thẳng, lo âu và nâng cao chất lượng giấc ngủ. Quan trọng hơn, tập luyện giúp người cao tuổi duy trì sự độc lập trong sinh hoạt hàng ngày và kéo dài tuổi thọ.
IV. Kết luận
Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà còn là sự quan tâm của cộng đồng. Hãy cùng nhau bảo vệ sức khoẻ của những người thân yêu trong mùa đông này.
Tài liệu tham khảo