Kỷ cương - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Tận tâm

VỆ SINH RĂNG MIỆNG CHO NGƯỜI CAO TUỔI PHẦN 3

CÁCH THÁO, LẮP, VỆ SINH HÀM RĂNG GIẢ

1. Răng giả tháo lắp toàn phần

Hàm răng giả tháo lắp toàn phần

- Đối tượng sử dụng: Mất nhiều răng, mất răng hàm.

- Chất liệu: Răng giả bằng nhựa/sứ, được ép trên nền nhựa dẻo/cứng với màu sắc giống nướu và răng thật.

- Cách tháo: Dùng hai ngón tay trỏ đặt vào răng số 3 (thẳng cánh mũi) đẩy xuống dưới với răng hàm trên, đẩy lên trên với răng hàm dưới.

- Cách vệ sinh:

+ Lấy kem đánh răng vào bàn chải đánh răng để cọ, đánh rửa các mảng bám thức ăn trên hàm răng giả, chú ý kẽ răng. Thực hiện ít nhất 2 lần/ngày.

+ Ngâm hàm răng giả vào cốc nước muối pha loãng/nước súc miệng chuyên dụng để diệt khuẩn.

+ Rửa sạch bàn chải, để đúng nơi quy định.

Ngâm hàm răng giả trong cốc nước muối pha loãng

- Cách lắp:

+ Trước khi đeo hàm giả phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ, tránh để các thức ăn thừa mắc kẹt ở vùng tiếp xúc với hàm tháo lắp gây ra các bệnh lý răng miệng.

+ Lấy hàm răng giả đang ngâm trong nước muối pha loãng, rồi lau khô từng phần bằng khăn sạch.

+ Lắp hàm giả vào theo đúng cung hàm.

+ Điều chỉnh hàm giả sao cho cân đối, bám chắc trên cung hàm.

2. Răng giả tháo lắp bán phần

Răng giả tháo lắp bán phần

- Đối tượng sử dụng: Dùng cho trường hợp mất một hoặc một số răng

- Chất liệu: Răng được ép trên nền nhựa có thể sẽ gắn thêm móc kim loại hoặc không

- Cách vệ sinh:

+ Lấy kem đánh răng vào bàn chải đánh răng để cọ, đánh rửa các mảng bám thức ăn trên hàm răng giả, chú ý kẽ răng. Thực hiện ít nhất 2 lần/ngày.

+ Ngâm hàm răng giả vào cốc nước muối pha loãng.

+ Rửa sạch bàn chải, để đúng nơi quy định.

- Cách lắp:

+ Trước khi đeo hàm giả phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ, tránh để các thức ăn thừa mắc kẹt ở vùng tiếp xúc với hàm tháo lắp gây ra các bệnh lý răng miệng.

+ Lấy hàm răng giả đang ngâm trong nước muối pha loãng/nước súc miệng chuyên dụng, rồi lau khô từng phần bằng khăn sạch.

+ Lắp hàm giả vào phần mất răng nhẹ nhàng.

+ Điều chỉnh hàm giả sao cho cân đối, bám chắc trên cung hàm.

3. Lưu ý khi sử dụng hàm răng giả

- Không ngâm hàm răng giả trong nước nóng vì sẽ làm cong hàm.

- Không dùng các chất ăn mòn hoặc chất tẩy rửa quá mạnh sẽ ăn mòn và mất màu hàm.

- Khi tháo, lắp, vệ sinh cần phải nhẹ nhàng tránh làm vỡ, gẫy hàm răng giả.

- Súc miệng hàng ngày với nước súc miệng hoặc nước muối pha loãng để làm sạch tránh nhiễm các bệnh lý về răng.

-  Không nên ăn các thức ăn cứng, nóng, lạnh dễ làm vỡ răng. Nên ăn các thức ăn mềm, dễ nhai nuốt … để bảo vệ hàm giả, duy trì được lâu dài.

- Nên đi khám định kỳ để kịp thời phát hiện những bất thường của hàm răng giả để xử lý kịp thời.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đỗ Đình Xuân, Trần Thị Thuận (2011); Hướng dẫn thực hành 55 kỹ thuật điều dưỡng cơ bản;Bộ Y tế, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; trang 89-95.

2. Trần Thị Thuận (2008); Điều dưỡng cơ bản I; Bộ Y tế; Nhà xuất bản Y học.

3. Joanne Tollefson (2010); Physical Assessment; Clinical psychomotor skills; 4th Edition; Cengage Learning; pp 17-22.

4. Ruth F. Craven; Constance J. Hirnle; (2007); Self-care and Hygiene, Fifth Edition; Lippincott Williams & Wilkins; pp 726- 770.