Kỷ cương - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Tận tâm

CHĂM SÓC NGƯỜI CAO TUỔI CÓ LOÉT DO TỲ ĐÈ

1. Loét tì đè là gì?

Loét do tỳ đè là tổn thương hoại tử da và tổ chức giữa vùng xương với vật có nền cứng, là hậu quả của quá trình bị tỳ đè kéo dài gây thiếu máu nuôi tổ chức và chết tế bào.

2. Loét tì đè có các cấp độ nào?

Tùy vào độ sâu, kích thước và mức độ tổn thương trầm trọng đối với các mô mà được chia thành 4 độ:

- Độ 1: Vết loét hiện diện dưới dạng ban (đỏ) trên vùng da, nhô xương hay vùng bị đè. Hầu hết độ 1 của loét ép có thể mất đi nếu không còn sự tỳ đè. Có thể khó nhận định độ 1 đối với những người da sẫm màu.

                                     

- Độ 2: Vết loét trên bề mặt và hiện diện như một vết trầy, hố nông hay phồng rộp. Da có thể bị mất phần biểu bì, bì hay cả phần bì và mỡ. Các vết phồng rộp da thường gây cảm giác đau.

               

- Độ 3:Vết hoại tử xuất hiện dưới dạng toàn bộ bề dày của da hoại tử có liên quan đến sự tổn thương hay mất tổ chức dưới da, có thể mở rộng xuống phần dưới nhưng không sâu đến phần cơ. Hoại tử khô, đen, cứng. Có xu hướng trở thành hoại tử ướt sau đó. Loét độ 3 có thể cần nhiều tháng mới lành được.

                                   

- Độ 4: Vết loét mất toàn bộ bề dày của da và có sự phá hủy rộng hơn, mô hoại tử hay tổn thương phần cơ, xương hay các cấu trúc nâng đỡ (gân hay bao khớp); nó có thể có sự ăn mòn hay các đường rò

                                

- Độ 5: Loét tì đè không thể phân giai đoạn: Bên ngoài có tổ chức có thể đóng vẩy đen, khi ấn vào thấy phía dưới tổ chức lỏng lẻo, vết loét không lành và tăng dần kích thước theo thời gian.

                                      

3. Chăm sóc vết loét

3.1. Nguyên tắc

- Loại bỏ tổ chức hoại tử

- Làm sạch vết loét

- Dùng các thuốc, băng gạc hỗ trợ chăm sóc vết loét

3.2. Các lưu ý

- Đối với vết loét độ I, II có thể được chăm sóc tại nhà tuy nhiên cần tham khảo ý kiến của nhân viên y tế. Vết loét từ độ III phải đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.

- Đối với vết loét vùng cùng cụt bị phân, nước tiểu dính vào, cần thay rửa, băng lại cho NCT tuân thủ theo các bước.

3.3. Các bước chăm sóc

3.3.1. Đối với vết loét độ I

NCS thực hiện đầy đủ 6 biện pháp phòng ngừa loét: 

3.3.1.1. Giảm áp lực tỳ đè

- Thay đổi tư thế thường xuyên ít nhất 2h/lần. Chêm lót vùng bị tỳ đè

                               

 

                                              Nghiêng                         Ngửa                          Nửa nằm nửa ngồi

- Dùng đệm chống loét: Đệm hơi, đệm nước…

                             

 

                                           Đệm hơi                              Đệm nước (hiện nay ít dùng)

 

- Ngồi dậy, đi lại (nếu được).

3.3.1.2. Vệ sinh da sạch sẽ:

- Thay quần áo, vải trải giường cho NCT mỗi khi ẩm ướt (quần áo làm bằng chất liệu cotton dễ thấm hút mồ hôi).

Lưu ý: Hàng ngày khi vệ sinh cần phải quan sát kỹ da của NCT để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các vết loét mới.

3.3.1.3. Phòng ngừa tổn thương da: Tránh da bị chà xát

- Khi thay ga hoặc thay đổi tư thế, tránh kéo lê NCT.

- Khi di chuyển NCT từ giường sang ghế/xe lăn và ngược lại, cần di chuyển đúng kỹ thuật và nhẹ nhàng, tránh để da bị chà xát.

3.3.1.4. Xoa bóp vùng tỳ đè 3-4 lần/ngày: Có thể sử dụng một số sản phẩm dự phòng loét trong lúc xoa bóp.

                                                                   

3.3.1.5. Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng đặc biệt là protein và vitamin A,C – đảm bảo đủ năng lượng cho NCT

3.3.1.6. Giữ môi trường sống thông thoáng, khô ráo và sạch sẽ.

3.3.2. Đối với vết loét độ II

- Người chăm sóc nên rửa vết loét hàng ngày, có thể băng lại nhưng vẫn phải đảm bảo khô, thoáng. Có thể sử dụng một số băng, kem bôi chuyên dùng cho vết loét độ II như: Urgotul, băng có chứa nano bạc, mỡ sinh cơ…Các sản phẩm này có tác dụng:
+ Duy trì môi trường ẩm tạo thuận lợi cho quá trình liền vết thương

+ Có khả năng thấm hút lớn đối với vết loét tiết dịch

+ Có tính chất thấm một chiều, đảm bảo trao đổi khí

+ Không gây dính vào vết loét, không đau khi thay băng

+ Bảo vệ vết loét khỏi vi khuẩn

- Các bước thực hiện:

 

TT

Các bước thực hiện

Yêu cầu, mục đích

 1.

NCS rửa tay

 

 2.

Chuẩn bị dụng cụ:

- Gạc rửa vết loét

- Băng chuyên dùng cho vết loét độ II

- Nước muối sinh lý, hoặc các dung dịch rửa vết loét chuyên dụng

- Băng dính

- Bộ dụng cụ chăm sóc loét: Kéo, dụng cụ kẹp bông, gạc, bát đựng các dung dịch rửa

- Găng tay y tế. Nếu không có găng tay cần vệ sinh tay sạch sẽ trước khi thay băng

- Túi nilon đựng đồ bẩn, tấm lót (nếu cần)

 

 3.

Chuẩn bị người cao tuổi:

- Động viên, giải thích về việc chăm sóc vết loét

- Đặt tư thế phù hợp

Người cao tuổi hợp tác, tư thế đúng giúp chăm sóc vết loét dễ dàng

 4.

Trải tấm lót dưới vị trí loét

 

 5.

Bộc lộ vị trí loét

 

6. 

Đi găng tay, tháo bỏ băng bẩn, tháo găng tay

 

7. 

Đánh giá vết loét

Theo dõi tiến triển, mức độc ủa vết loét

 8.

Đổ nước muối sinh lý (hoặc dung dịch rửa vết loét) ra bát inox

Không sử dụng cồn, cồn I-ốt (cồn sát khuẩn vết thương màu vàng)

9. 

NCS đi găng tay, rửa vết loét

Nhẹ nhàng, tránh tổn thương thêm

10. 

Thấm khô vết loét

Dùng gạc vô khuẩn

 11.

Đắp băng dành cho vết loét

Che phủ, làm ấm, làm ẩm, ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập vào vết loét

12. 

Phủ 1 lớp gạc vô khuẩn kín hết băng

Tránh xê dịch băng

13. 

Dán băng dính cố định băng

Dán đảm bảo chắc chắn, không dán quá nhiều

14. 

NCS để NCT về tư thế nghỉ ngơi an toàn

Đảm bảo NCT cảm thấy thoải mái

15. 

NCS thu dọn dụng cụ, rửa tay

Rửa dụng cụ sạch sẽ, để gọn gàng, đúng nơi quy định

 

                                              TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Thị Thuận (2008); Điều dưỡng cơ bản I; Nhà xuất bản Y học; Hà Nội.

2. Tài liệu đào tạo thực hành cho điều dưỡng viên mới (2020); Nhà xuất bản Y học; Hà Nội