HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYÊN ĐỀ “DỰ PHÒNG THUYÊN TẮC HUYẾT KHỐI TĨNH MẠCH”
Ngày 03/12/2020, Bệnh viện Lão khoa Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học chuyên đề với nội dung: Dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch.
Đến dự và chủ trì buổi Hội thảo có TS.BS Nguyễn Trung Anh – Giám đốc Bệnh viện. Các báo cáo viên gồm: PGS.TS.BS. Hoàng Bùi Hải – Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; PGS.TS.BS. Vũ Thị Thanh Huyền – Trưởng khoa Nội tiết – Cơ xương khớp Bệnh viện Lão khoa Trung ương và ThS.BS. Lê Chung Thủy – Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Lão khoa Trung ương cùng đông đảo đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế thuộc các khoa lâm sàng và cận lâm sàng có nhu cầu cập nhật kiến thức tham dự.
Khai mạc và chỉ đạo Hội thảo, TS.BS Nguyễn Trung Anh – Giám đốc Bệnh viện phát biểu: “Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là bệnh lý bao gồm cả huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới và tắc động mạch phổi. Bệnh chiếm tỷ lệ trong các bệnh nhân nằm viện cả nội, ngoại khoa và có nhiều số ca không được chẩn đoán lâm sàng, nó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm vì vậy đòi hỏi sự cảnh giác, phản ứng thường trực của các bác sĩ lâm sàng. Chẩn đoán thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch thường không dễ dàng và điều trị gặp nhiều khó khăn, tăng gánh nặng kinh tế vì phải điều trị kéo dài nên việc chủ động dự phòng thực sự là quan trọng với các lợi ích: giảm tỷ lệ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch, an toàn và tiết kiệm chi phí, đặc biệt khi sử dụng Heparin trọng lượng phân tử thấp. Trong chương trình hội thảo khoa học chuyên đề hôm nay, chúng ta sẽ nghe 3 bài trình bày của các báo cáo viên để cùng cập nhật những kiến thức mới nhất và những lưu ý trong dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Nhân dịp này, Bệnh viện gửi lời cảm ơn đến Công ty Sanofi đã luôn đồng hành cùng Bệnh viện Lão khoa Trung ương để tổ chức được những buổi báo cáo khoa học có ý nghĩa với nhiều chủ đề khác nhau”.
Với kinh nghiệm trong nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy và thực hành lâm sàng PGS.TS Hoàng Bùi Hải – Trưởng khoa Cấp cứu và hồi sức tích cực – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã trình bày bài báo cáo đầy đủ, ngắn gọn đưa ra bức tranh toàn cảnh liên quan đến bệnh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Bài báo cáo gồm 7 nội dung: Khái niệm thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch, dịch tễ, tác động của thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch, chẩn đoán và điều trị, tầm quan trọng - hướng dẫn dự phòng, thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch - dự phòng ở bệnh nhân nội khoa cao tuổi và phác đồ điều trị của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Tiếp theo, PGS.TS.BS Vũ Thị Thanh Huyền – Trưởng khoa Nội tiết – Cơ xương khớp – Bệnh viện Lão khoa TW đã trình bày bài báo cáo “Ca lâm sàng dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trên bệnh nhân nội khoa”, cụ thể: Bệnh nhân nữ 61 tuổi, nhập viện với biểu hiện chính là phù chân trái 30 ngày, đau bụng bên phải 20 ngày, khó thở 4 ngày, sau khi khám và làm các xét nghiệm bệnh nhân đã được chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu chân trái. Báo cáo viên đã đưa ra những yếu tố nguy cơ và khuyến cáo dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân nội khoa, ngoại khoa, bệnh nhân ung thư, người di chuyển đường dài và nguy cơ chảy máu.
Với báo cáo “Dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trên bệnh nhân hồi sức tích cực” – ThS.BS Lê Chung Thủy, khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã trình bày ca lâm sàng chi tiết về trường hợp bệnh nhân nam, 78 tuổi, tiền sử hút thuốc lá 20 năm, khó thở, có co kéo cơ hô hấp phụ, thở qua mở khí quản, nằm bất động kéo dài… ThS. Thủy chia sẻ “Trong điều trị lâm sàng, thái độ xử trí của bác sĩ với tình trạng nghi ngờ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là điều rất quan trọng ”.
Để buổi hội thảo thêm ý nghĩa và thành công, phiên thảo luận giữa các báo cáo viên và bác sĩ, điều dưỡng đã được diễn ra rất sôi nổi, giúp các thành viên tham dự Hội thảo nắm bắt, hiểu rõ hơn những vấn đề chuyên môn mới mà các báo cáo viên đã trình bày.
Kết thúc buổi hội thảo, TS.BS Nguyễn Trung Anh – Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương kết luận: “Bệnh nhân cao tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch, đồng thời người cao tuổi có nhiều bệnh lý phối hợp, bệnh đồng mắc, tình trạng tăng đông dễ và thường xuyên được khởi động. Việc dùng Heparin trọng lượng phân tử thấp để dự phòng với liều khuyến cáo tỏ ra là an toàn, không khác biệt có ý nghĩa thống kê với nhóm trẻ hơn (tuy vậy vẫn rất cần tôn trọng các chống chỉ định,đánh giá tổng trạng bệnh nhân một cách nghiêm túc). Phác đồ dự phòng của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ là một tài liệu tham khảo quan trọng để Bệnh viện Lão khoa Trung ương xây dựng phác đồ trên bệnh nhân cao tuổi.
Một số hình ảnh buổi Hội thảo: