Kỷ cương - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Tận tâm

TẦM QUAN TRỌNG VÀ NGUYÊN TẮC LẬP KẾ HOẠCH CHĂM SÓC CHO NGƯỜI CAO TUỔI MẮC BỆNH LÝ THẦN KINH MẠN TÍNH

ThSĐD.Nguyễn Ngọc Ánh – CNĐD. Đoàn Thị Liên

Bệnh lý thần kinh mạn tính thường gặp ở người cao tuổi là Sa sút trí tuệ, Alzheimer, Parkinson, các bệnh mạch máu não...  Các bệnh lý này ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh, là gánh nặng cho người chăm sóc và gia đình của họ.  Việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh thần kinh mạn tính là rất quan trọng để giúp người cao tuổi sống khỏe mạnh, độc lập và hạnh phúc. Vì vậy việc lập kế hoạch chăm sóc cho NCT mắc các bệnh lý thần kinh mạn tính là cần thiết và quan trọng.

1. Tầm quan trọng của việc lập kế hoạch chăm sóc cho NCT mắc bệnh lý thần kinh mạn tính:

  • Cải thiện chất lượng cuộc sống: Kế hoạch chăm sóc tốt giúp NCT kiểm soát bệnh tật, giảm thiểu biến chứng, duy trì chức năng cơ thể và nâng cao chất lượng cuộc sống.
  • Giảm nguy cơ nhập viện và ngăn ngừa các biến chứng: Kế hoạch chăm sóc toàn diện giúp giảm thiểu các biến chứng, từ đó giảm nguy cơ nhập viện và chi phí điều trị cho người bệnh và gia đình họ.
  • Tăng cường sự độc lập: Kế hoạch chăm sóc tập trung vào việc hỗ trợ NCT duy trì khả năng tự chăm sóc, tăng cường sự độc lập và giảm thiểu sự phụ thuộc vào người khác => sẽ duy trì và tăng cường sự độc lập trong sinh hoạt hàng ngày càng lâu càng tốt.
  • Hỗ trợ gia đình: Kế hoạch chăm sóc rõ ràng giúp gia đình hiểu rõ vai trò của mình, các cách hỗ trợ NCT hiệu quả và giảm bớt gánh nặng trong chăm sóc người bệnh
  • Thúc đẩy sự hài lòng của NCT: Kế hoạch chăm sóc được cá nhân hóa, đáp ứng nhu cầu và mong muốn của NCT, giúp họ cảm thấy được tôn trọng, hài lòng và chấp nhận bệnh dễ dàng hơn.

2. Nguyên tắc lập kế hoạch chăm sóc:

2.1. Đánh giá toàn diện:

  • Lịch sử bệnh lý: Là việc thu thập thông tin về bệnh lý hiện tại, tiền sử bệnh, thuốc đang sử dụng, dị ứng, thói quen sinh hoạt, tình trạng dinh dưỡng, tâm lý xã hội của người bệnh.
  • Nhận định chăm sóc: Đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể, chức năng cơ thể, khả năng tự chăm sóc, khả năng nhận thức, toàn trạng người bệnh: ăn uống, ngủ nghỉ, các triệu chứng bệnh lý, phản ứng của người bệnh với các bệnh lý mắc phải.
  • Thực hiện và nhận định các xét nghiệm: Thực hiện các xét nghiệm cần thiết để đánh giá tình trạng bệnh lý, chức năng cơ thể, tình trạng dinh dưỡng, vận động, nhận thức…. của người bệnh

2.2. Xác định mục tiêu chăm sóc:

  • Kiểm soát bệnh tật: Giảm thiểu các triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng, duy trì chức năng cơ thể cho người bệnh.
  • Nâng cao chất lượng cuộc sống: Cải thiện sức khỏe tinh thần, thể chất, xã hội, tăng cường và duy trì sự độc lập trong sinh hoạt hàng ngày càng lâu càng tốt.
  • Hỗ trợ gia đình: Giúp gia đình hiểu rõ vai trò của mình, cách hỗ trợ NCT một cách hiệu quả

2.3. Lập kế hoạch chăm sóc cá nhân hóa:

  • Dựa trên nhu cầu của NCT: Kế hoạch chăm sóc phải phù hợp với tình trạng sức khỏe, khả năng tự chăm sóc, nhu cầu tâm lý xã hội của từng người.
  • Bao gồm các lĩnh vực: Chăm sóc y tế, dinh dưỡng, vận động, tâm lý xã hội, an toàn, giáo dục sức khỏe.
  • Thiết lập các mục tiêu cụ thể, đo lường được, khả thi, có thời hạn và liên quan đến nhu cầu của từng NCT.

2.4. Thực hiện kế hoạch chăm sóc:

  • Theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của NCT mắc các bệnh lý thần kinh mạn tính: Ghi nhận các thay đổi về sức khỏe, triệu chứng, phản ứng với thuốc, hiệu quả của kế hoạch chăm sóc.
  • Điều chỉnh kế hoạch chăm sóc: Sửa đổi kế hoạch chăm sóc dựa trên tình trạng sức khỏe của NCT, phản ứng của người bệnh, phản hồi của gia đình và mục tiêu chăm sóc.
  • Hỗ trợ và hợp tác với gia đình người bệnh: Chia sẻ thông tin, hướng dẫn gia đình cách hỗ trợ NCT, giải đáp thắc mắc của gia đình.

2.5. Đánh giá kết quả của kế hoạch chăm sóc

  • Đánh giá hiệu quả của kế hoạch chăm sóc: Kiểm tra xem kế hoạch chăm sóc đã đạt được mục tiêu hay chưa, có cần thay đổi gì hay không.
  • Xác định các vấn đề cần giải quyết: Xác định các khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch chăm sóc, nguyên nhân và giải pháp khắc phục như thế nào.
  • Cập nhật kế hoạch chăm sóc: Cập nhật kế hoạch chăm sóc dựa trên kết quả đánh giá, nhu cầu của NCT và mục tiêu chăm sóc.

Kết luận:

Lập kế hoạch chăm sóc cho NCT mắc các bệnh thần kinh lý mạn tính là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự chuyên nghiệp, kiến thức chuyên môn về các bệnh lý thần kinh và sự nhạy bén trong việc nắm bắt nhu cầu của NCT. Việc áp dụng các nguyên tắc trên sẽ giúp điều dưỡng viên xây dựng kế hoạch chăm sóc phù hợp, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCT và giảm bớt gánh nặng cho gia đình.