Kỷ cương - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Tận tâm

SỨC KHỎE TÂM THẦN TRONG THỜI KỲ DỊCH COVID-19

SỨC KHỎE TÂM THẦN TRONG

ĐẠI DỊCH COVID-19

Đại dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt sức khỏe, đời sống, kinh tế xã hội. Nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần mới phát sinh hoặc tái phát trong giai đoạn đại dịch covid-19, cần được quan tâm và điều trị kịp thời.

          Đại dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt sức khỏe, đời sống, kinh tế xã hội. Virus SARS-CoV-2 tác động đa cơ quan, bao gồm hệ thần kinh trung ương. Đại dịch gây ra những căng thẳng tâm lý cho cả bệnh nhân, người nhà, nhân viên y tế và mọi người dân nói chung. Các rối loạn tâm thần liên quan đến đại dịch Covid-19 thường gặp, tác động trên nhiều đối tượng, cần nhận được sự quan tâm đúng mức.

1.Phân loại các vấn đề sức khỏe tâm thần trong đại dịch covid 19:

  • Các vấn đề sức khỏe tâm thần mới khởi phát:
  • Các rối loạn liên quan đến stress và các tác động khác của đại dịch Covid-19
  • Các rối loạn liên quan đến stress: Rối loạn lo âu do những lo lắng, căng thẳng khi dịch bệnh xảy ra. Có khoảng 47% bệnh nhân Covid có triệu chứng lo âu. Ngoài ra, có thể gặp rối loạn hoảng sợ do quá sợ hãi dịch bệnh; hay một số bệnh nhân có rối loạn ám ảnh cưỡng bức (liên quan đến vấn đề rửa tay, tích trữ đồ đạc). Đặc biệt, PTSD cũng có thể gặp do số ca tử vong vì Covid-19 càng ngày càng gia tăng. Bệnh nhân thường có ác mộng, hồi tưởng cảnh tượng chết chóc do nhiễm covid, tê liệt cảm xúc.
  • Trầm cảm: Gấp 3 lần dân số chung, 45% bệnh nhân Covid-19. Sự cách ly xã hội, cô đơn, thất nghiệp trong đại dịch góp phần thúc đẩy sự phát sinh của trầm cảm.
  • Tự sát: do các biểu hiện rối loạn tâm thần và tác động kinh tế xã hội của COVID-19.
  • Tình trạng mệt mỏi kéo dài
  • Các vấn đề liên quan đến sử dụng chất
  • Các triệu chứng tâm thần kinh do nhiễm và điều trị covid: mê sảng, loạn thần, các di chứng như suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ….
  • Các bệnh lý tâm thần từ trước cũng sẽ dễ bị tái phát do giảm khả năng tiếp cận với các nguồn điều trị, gián đoạn các liệu pháp, cung cấp dịch vụ và hỗ trợ xã hội. Các vấn đề khác như sự kỳ thị, phân biệt đối xử và tội ác thù hận liên quan đến COVID-19 cũng góp phần thúc đẩy các rối loạn tâm thần trong đại dịch.

2.Các nhóm dân số có nguy cơ cao gặp vấn đề sức khỏe tâm thần trong đại dịch covid 19

  • Trẻ em và thanh thiếu niên
  • Người già
  • Những người thất nghiệp và vô gia cư
  • Những người sống sót sau COVID-19
  • Nhân viên y tế
  • Những người có rối loạn tâm thần từ trước
  • Phụ nữ có thai
  • Người khuyết tật và mắc các bệnh mãn tính
  • Người di cư, những người tị nạn
  • Cộng đồng đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và đồng tính luyến ái (LGBTQ)

3.Các chiến lược tự chăm sóc trong đại dịch covid 19

  • Ngủ đủ giấc: Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, theo lịch sinh hoạt khoa học ngay cả khi làm việc tại nhà.
  • Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất và tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm lo lắng và cải thiện tâm trạng. Bạn nên đi ra ngoài trời, chẳng hạn như đi bộ trong sân sau nhà.
  • Ăn uống lành mạnh: Chọn một chế độ ăn uống cân bằng, tránh ăn nhiều đồ ăn vặt và đường. Hạn chế caffeine vì nó có thể làm nặng thêm tình trạng căng thẳng, lo lắng và các vấn đề về giấc ngủ.
  • Tránh sử dụng thuốc lá, rượu và ma túy: Những người hút thuốc lá vốn đã có nguy cơ mắc bệnh phổi cao hơn, và nguy cơ này thậm chí còn tăng nhiều hơn vì covid 19 ảnh hưởng trực tiếp đến đường hô hấp. Sử dụng rượu để đối phó với stress có thể khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn và làm giảm kỹ năng đối phó của bạn. Bạn cần tránh tự sử dụng thuốc, trừ khi được các bác sĩ kê đơn.
  • Giới hạn thời gian sử dụng thiết bị: Tắt các thiết bị điện tử một thời gian mỗi ngày, bao gồm 30 đến 60 phút trước khi đi ngủ. Cố gắng có ý thức để dành ít thời gian hơn trước màn hình - tivi, máy tính bảng, máy tính và điện thoại.
  • Thư giãn và nạp năng lượng: Hãy nhớ dành thời gian cho bản thân mình. Ngay cả một vài phút yên tĩnh cũng có thể giúp bạn cảm thấy sảng khoái, giúp bạn ổn định tâm trí và giảm bớt lo lắng. Các phương pháp như hít thở sâu, thái cực quyền, yoga, chánh niệm hoặc thiền cũng đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Bạn có thể ngâm mình trong bồn tắm, nghe nhạc, đọc hoặc nghe sách - bất cứ điều gì giúp bạn thư giãn. Bạn cần chọn một kỹ thuật phù hợp với mình và thực hành nó thường xuyên.

 

Nguyễn Thị Hòa

Khi bạn gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần nói chung và các vấn đề sức khỏe tâm thần liên quan đến đại dịch covid, hậu covid nói riêng, hãy liên hệ khám chuyên khoa Sức khỏe tâm thần tại:

  • Phòng khám số 7, khoa Khám bệnh, bệnh viện Lão khoa Trung ương
  • Phòng khám số 3, khoa Khám bệnh theo yêu cầu và quốc tế, bệnh viện Lão khoa Trung ương
  • Khoa Sức khỏe tâm thần, bệnh viện Lão khoa Trung ương
  • Địa chỉ: số 1A, đường Phương Mai, phường Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội

THỜI GIAN KHÁM BỆNH:

Thứ 2 – Thứ 6

- Sáng từ 07h30 – 12h00

- Chiều từ 13h30 – 16h30

  • HOTLINE: 0963590006
Bài viết liên quan