Kỷ cương - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Tận tâm

SƠ CỨU NGƯỜI CAO TUỔI BỊ NGHẸN, SẶC

1. Nghẹn, sặc là gì?

- Nghẹn, sặc là một triệu chứng xảy ra khi nuốt, thức ăn bị tắc ở họng hoặc thực quản, biểu hiện bằng nuốt khó khăn hoặc đột ngột khó thở, ho dữ dội. 

- Nghẹn, sặc có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng thường gặp ở NCT, vì khi cơ thể bị lão hóa, các ống tiêu hóa bị thu hẹp dần, thành biểu mô của niêm mạc miệng sẽ mỏng hơn gây khó khăn cho quá trình nhai nuốt. Lợi của NCT co rút lại làm khả năng nhai kém đi, ngay cả khi răng của họ vẫn còn nguyên. Do đó, NCT thường giữ thức ăn trong miệng lâu hơn và họ phải nuốt những mẩu thức ăn to hơn

- Người bị nghẹn có thể tử vong trong vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời.

2. Dấu hiệu để nhận biết nghẹn, sặc

Có thể xảy ra các tình huống sau:

- Đang ăn thấy khó nuốt, cố nuốt, nấc, nôn oẹ do thức ăn làm bít tắc thực quản.

- Ho sặc sụa, nói không ra tiếng, khó thở tùy từng mức độ, có thể bị nghẹt thở do thức ăn sẽ di chuyển vào khí quản do phản xạ, cửa thanh môn mở ra.

- Đột nhiên thở khó, sắc mặt đỏ tía rồi tím ngắt, thần sắc lờ đờ, nấc cụt do thức ăn làm tắc khí quản.

3. Sơ cứu NCT bị nghẹn, sặc

3.1. Mục đích

- Nhận biết các dấu hiệu của NCT đang bị mắc nghẹn, sặc

- Biết cách sơ cứu nghẹn, sặc

3.2. Nguyên tắc

- Phát hiện sớm và nhận định xử trí kịp thời

- Không được cho tay hoặc các dụng cụ khác để móc dị vật ra, vì có thể khiến dị vật bị rơi vào sâu hơn và gây thương tích vùng niêm mạc hầu họng.

- Không vuốt xuôi ngực cho bệnh nhân, việc này khiến cho dị vật chui vào đường thở sâu hơn.

3.3. Các lưu ý

- Khi gặp NCT đã bất tỉnh, hô hào người gọi cấp cứu ngay lập tức, còn bạn thì nhanh chóng cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân.

- Nếu chỉ có mình bạn thì thực hiện vỗ lưng - Heimlich trước khi gọi cấp cứu.

3.4. Các bước thực hiện

TT

Nội dung các bước

Mục đích, yêu cầu

 1.

 Khi thấy NCT có dấu hiệu bị nghẹn hãy tiến lại gần họ và xác nhận ngay. Nếu có thêm người khác, nói họ gọi cấp cứu ngay lập tức, còn mình thì tiến hành sơ cứu cho bệnh nhân.

Phát hiện sớm NCT có dấu hiệu nghẹn để xử trí ngay.

 2.

Vỗ lưng: Đặt lòng bàn tay vào vùng giữa hai xương vai và vỗ vào lưng người bệnh 5 lần.

 

 3.

Thực hiện Liệu pháp Heimlich cho bệnh nhân.

 

3.1

Đứng sau NCT, dùng tay vòng qua phía trước ôm lấy phần eo, để NCT hơi cúi người ra trước.

 

3.2

Một tay nắm chặt lại và đặt lên phần trên rốn của bệnh nhân.

 

3.3

Dùng bàn tay còn lại ôm chặt lấy bàn tay đang nắm, ấn thật nhanh và mạnh vào bụng của bệnh nhân theo chiều từ dưới lên trên.

 

3.4

Thực hiện lặp lại thao tác này 5 lần.

 

3.5

Nếu thực hiện liệu pháp Heimlich mà dị vật vẫn chưa rơi ra thì tiếp tục thực hiện lại vỗ lưng 5 lần và lặp lại liệu pháp Heimlich. 

 

3.6

Lặp lại việc vỗ lưng - Heimlich đến khi dị vật rơi ra. 

 

3.7

Sau khi lấy được dị vật hoặc nạn nhân la khóc được vẫn phải đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để thăm khám kịp thời.

 

 

                                              TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Điều dưỡng Hồi sức cấp cứu (2012); Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

2. Một số kỹ thuật thực hành chăm sóc người bệnh theo chuyên khoa (2017); Nhà xuất bản Y học

3. Tài liệu đào tạo thực hành lâm sàng cho điều dưỡng viên mới (2020); Nhà xuất bản Y học.