Thứ hai, ngày 25/09/2017 tại Bệnh viện Lão khoa Trung Ương đã diễn ra Hội nghị “Chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng” nhân kỷ niệm Ngày quốc tế Người cao tuổi 01/10/2017 do Bộ Y tế tổ chức.
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia người cao tuổi; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hội Bác sĩ gia đình Thế giới, Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc UNFPA, các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà khoa học, chuyên gia, các tổ chức xã hội, bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế, cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, các hãng thông tấn, báo chí quốc tế và Việt Nam. Tổng số hơn 150 đại biểu tham dự.
Lễ chào mừng Ngày Quốc tế Người cao tuổi mở đầu cho chương trình Hội nghị. "Bước tới tương lai: Phát huy năng lực, đóng góp và sự tham gia của người cao tuổi trong xã hội" là chủ đề của Ngày Quốc tế Người cao tuổi năm nay.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng; phát triển mô hình y học gia đình; đồng thời củng cố các hệ thống bệnh viện chuyên về lão khoa và nhân lực trong chăm sóc người cao tuổi. Việt Nam cũng cần phát triển nhiều mô hình như nhà dưỡng lão phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt Nam; đẩy mạnh phát triển y tế cơ sở để không chỉ phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu mà đặc biệt là chăm sóc người cao tuổi tập trung vào các bệnh mãn tính. Một trong những phương pháp chăm sóc tốt nhất hiện nay là Việt Nam cần có chính sách phát huy tốt vai trò của người cao tuổi trong xã hội.
Hội nghị “Chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng” bao gồm 3 phiên toàn thể với các chủ đề:
Phiên 1: Chính sách về Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Phiên 2: Quản lý các bệnh mạn tính thường gặp ở người cao tuổi tại cộng đồng
Phiên 3: Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Các báo cáo khoa học tại Hội nghị tập trung vào vấn đề chính sách và các kinh nghiệm trong triển khai chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng:
- Tăng cường sự sẵn có của dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tập trung vào quản lý các bệnh mãn tính của người cao tuổi và chăm sóc họ tại cộng đồng, nâng cao vai trò của bác sỹ gia đình
- Đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thay đổi lối sống và phòng bệnh, thúc đẩy già hóa khỏe mạnh và năng động.
- Khuyến khích sự tham gia của lĩnh vực tư nhân, các tổ chức và cộng đồng xã hội phối hợp với đầu tư công trong việc chăm sóc và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc; tạo nguồn nhân lực có trình độ, ổn định, bền vững.
- Củng cố già hóa khỏe mạnh và năng động dựa trên bằng chứng; Tăng cường triển khai các nghiên cứu lâm sàng và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Hội nghị nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, điều này đem lại những tiềm năng bao gồm cơ hội đầu tư, tăng cường chất lượng lao động và kiến thức, đem lại các lợi ích kinh tế nhưng đồng thời, cũng đặt ra những thách thức to lớn. Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, sức khỏe của người cao tuổi còn nhiều hạn chế. Tuy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng cao nhưng gánh nặng bệnh tật của người Việt cũng cao hơn. Trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc ba bệnh. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của đối tượng này. Bệnh tật ở người cao tuổi chủ yếu là không lây nhiễm và mạn tính, khiến cho chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, người cao tuổi còn có những yêu cầu về chăm sóc sức khỏe khác biệt và đặc thù hơn nhiều so với nhóm dân cư khác.
Để giải quyết những thách thức và tận dụng các cơ hội của thời kỳ già hóa dân số, chúng ta cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao nhận thức về vấn đề già hóa dân số, đảm bảo đưa vấn đề già hóa và nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào tất cả các chương trình và chính sách phát triển quốc gia, đặc biệt là các chính sách, chương trình về an sinh xã hội; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.