Ngày 21/03/2025, tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, hội thảo khoa học với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị sa sút trí tuệ” đã diễn ra với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ, điều dưỡng và người chăm sóc người bệnh từ bệnh viện tuyến Trung ương và địa phương. Sự kiện mang đến những cập nhật quan trọng về các phương pháp chẩn đoán, điều trị và mô hình chăm sóc toàn diện cho người bệnh sa sút trí tuệ tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Trung Anh – Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương nhấn mạnh: "Sa sút trí tuệ đang trở thành vấn đề y tế và xã hội cấp bách tại Việt Nam. Việc thành lập các phòng khám, đơn vị trí nhớ tại các cơ sở y tế sẽ giúp quản lý người bệnh ngay từ giai đoạn đầu, tạo điều kiện phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Đồng thời, hội thảo là cơ hội để cập nhật các tiến bộ mới nhất trong chẩn đoán, điều trị và mô hình chăm sóc, hướng tới nâng cao chất lượng sống cho người bệnh".
Hội thảo tập trung thảo luận về những vấn đề quan trọng trong công tác chẩn đoán và điều trị sa sút trí tuệ, bao gồm:
Sự cần thiết của đơn vị sa sút trí tuệ, phòng khám trí nhớ – Giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị ngay từ giai đoạn đầu.
Cập nhật chẩn đoán sa sút trí tuệ – Ứng dụng Biomarker (hình ảnh học, dịch não tủy, xét nghiệm máu) trong phát hiện bệnh sớm.
Phương pháp điều trị tiên tiến – Kết hợp điều trị bằng thuốc và các biện pháp can thiệp không dùng thuốc như liệu pháp nhận thức, hồi tưởng và chăm sóc cá nhân hóa.
Mô hình hỗ trợ người chăm sóc tại cộng đồng – Cung cấp kiến thức, chiến lược quản lý hành vi, kỹ năng chăm sóc và hướng dẫn thực hành qua các tài liệu trực tuyến, video hướng dẫn.
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thanh Bình – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương chia sẻ: "Việc thành lập các đơn vị trí nhớ và sa sút trí tuệ không chỉ giúp nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị và nghiên cứu tại Việt Nam, mà còn góp phần vào mạng lưới toàn cầu, tạo ra tác động tích cực lâu dài cho sức khoẻ cộng đồng".
Theo các chuyên gia, tốc độ già hóa dân số ngày càng nhanh khiến bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác trở thành gánh nặng lớn cho xã hội. Để chẩn đoán sớm, việc sử dụng Biomarker trong hình ảnh học, dịch não tủy và xét nghiệm máu đóng vai trò quan trọng, giúp xác định chính xác giai đoạn và nguyên nhân bệnh. Ngoài ra, Biomarker còn có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị, mở ra cơ hội cải thiện chất lượng sống cho người bệnh trong tương lai.
Trong phiên thảo luận, các chuyên gia đã giải đáp nhiều câu hỏi từ đại biểu liên quan đến:
✔️ Ứng dụng Biomarker trong chẩn đoán sớm sa sút trí tuệ.
✔️ Thực tiễn triển khai các phòng khám, đơn vị trí nhớ tại bệnh viện.
✔️ Giải pháp giúp người chăm sóc quản lý hành vi khó của người bệnh.
Hội thảo cũng nhấn mạnh rằng chăm sóc trí nhớ cần được thực hiện theo phương pháp tiếp cận đa ngành và toàn diện, kết hợp giữa hệ thống y tế và cộng đồng. Việc nâng cao năng lực chăm sóc tại cộng đồng thông qua các chương trình đào tạo, hướng dẫn trực tuyến và tài liệu hỗ trợ sẽ giúp giảm tải áp lực cho bệnh viện, đồng thời nâng cao chất lượng sống của người bệnh.
Sự kiện này đã mang lại nhiều kiến thức bổ ích và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực từ các đại biểu tham dự. Đây là một trong những hoạt động thường niên của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, cập nhật các phương pháp điều trị và hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh sa sút trí tuệ tại Việt Nam./.