Kỷ cương - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Tận tâm

ĐIỀU TRỊ NHỒI MÁU NÃO CẤP BẰNG THUỐC TIÊU SỢI HUYẾT

   Tiêu sợi huyết là một trong những phương pháp điều trị đặc biệt hiệu quả đối với người bệnh nhồi máu não cấp. Việc sử dụng thuốc tiêu sợi huyết cho bệnh nhân bị nhồi máu não cấp đến sớm trong vòng 4,5 giờ đầu (giờ vàng) sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, giúp giảm thiểu tỉ lệ tử vong cũng như hồi phục chức năng thần kinh tốt nhất cho người bệnh.

    Theo TS.BS Trần Quang Thắng – Trưởng khoa Cấp cứu & Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa TW cho biết: Phương pháp điều trị nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết là một phương pháp điều trị được khuyến cáo ở mức độ cao nhất ở nhiều quốc gia có nền y học phát triển như Hoa Kỳ, châu Âu. Tại Việt Nam phương pháp này đã được áp dụng và đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Bằng việc tiêm thuốc tiêu sợi huyết vào tĩnh mạch để làm tan cục máu đông gây tắc mạch máu não giúp người bệnh nhồi máu não cấp tránh được phẫu thuật hay các can thiệp xâm lấn. Người bệnh sau điều trị hồi phục nhanh, giảm nguy cơ bị các di chứng thần kinh và giảm tỷ lệ tử vong do đột quỵ não. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả của thuốc, việc điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết trên nhóm bệnh nhân cao tuổi gặp không ít khó khăn như: khó xác định thời gian khởi phát, đưa đến viện thường chậm trễ, các bệnh lý nền cũng như các thuốc sử dụng hàng ngày làm cho bệnh nhân bị chống chỉ định dùng thuốc tiêu sơi huyết hoặc làm tăng nguy cơ biến chứng của thuốc…

    Trong tình huống cấp cứu, bác sỹ cấp cứu Lão khoa cần đưa ra quyết định phù hợp nhất giúp cho người bệnh được hưởng lợi từ việc dùng thuốc tiêu sợi huyết đồng thời hạn chế thấp nhất các biến chứng do thuốc gây ra.

    Dưới đây là trường hợp bệnh nhân được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết kịp thời đã mang đến hiệu quả đặc biệt tích cực:

    Ngày 16/7, khoa Cấp cứu và Đột quỵ Bệnh viện Lão khoa TW đã tiến hành điều trị tiêu sợi huyết cho một bệnh nhân nhồi máu não cấp. Bệnh nhân P.T.Ch, nữ 79 tuổi, nhập viện lúc 11h15’trong tình trạng hôn mê, liệt 1/2 người trái. Theo lời kể của gia đình, khoảng 9h30’ là thời điểm cuối cùng bệnh nhân hoàn toàn bình thường. Đến 9h50’ gia đình phát hiện bệnh nhân lơ mơ, gọi hỏi không đáp ứng và liệt nửa người bên trái. Gia đình gọi cấp cứu 115 đưa vào viện. Bệnh nhân đến viện lúc 11h15’.

    Tình trạng bệnh nhân khi nhập viện: hôn mê Gs 12 điểm, liệt 1/2 người T, cơ lực 1/5. NIHSS 24 điểm, HA 140/80mmHg, M: 60l/p, SpO2 96%.

    Bệnh nhân được chẩn đoán: Đột quỵ não giờ 1g45ph. Bệnh nhân nhanh chóng được làm các xét nghiệm cơ bản, chụp CT sọ não không tiêm thuốc cản quang và cho kết quả chưa thấy tổn thương trên CT sọ não. Sau 50 phút, khi đã có đầy đủ các xét nghiệm, bác sĩ cấp cứu nhận định bệnh nhân đạt đủ điều kiện dùng thuốc tiêu sợi huyết và chỉ định sử dụng phương pháp này.

    Ngay lập tức, 12h05’, bệnh nhân được các bác sỹ Khoa Cấp cứu đột quỵ- Bệnh viện Lão khoa TW tiến hành điều trị tiêu sợi huyết (sau 2g30 phút khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên và sau 50 phút nhập viện). Sau dùng thuốc 1 giờ, bệnh nhân ý thức cải thiện, Gs14đ, NIHSS 18đ, mạch, huyết áp ổn định. Sau 24 giờ điều trị: bệnh nhân tỉnh Gs15đ, NIHSS 15đ, liệt ½ người T với cơ lực 2/5. Kết quả chụp MRI sọ não: hình ảnh nhồi máu não nhân bèo bên phải, xung mạch chỉ ra là tắc M1 động mạch não giữa bên phải, hẹp mạch cảnh ngoài sọ 2 bên, không có chuyển dạng chảy máu.

    Ngày thứ 3 của bệnh, bệnh nhân tỉnh táo, các dấu hiệu sinh tổn ổn định, Gs15đ điểm, NIHSS 12đ, cơ lực tay T 3/5, chân T 2/5. Bệnh nhân được tập phục hồi chức năng theo chỉ định của bác sĩ phục hồi chức năng.

    Hiện nay, sau hơn 1 tháng điều trị, bệnh nhân tỉnh táo, NIHSS 8đ, mRS 1đ, cơ lực hồi phục tốt, bệnh nhân đã có thể đi lại được, không cần trợ giúp, cơ lực tay T 4/5, chân T 4/5, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, tự ăn uống qua miệng, điều trị ngoại trú và tập PHCN tại nhà.

Đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau bệnh lý tim mạch và ung thư, là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn phế cho người bệnh. Đột quỵ não được chia thành hai thể, nhồi máu não (80-85%) và xuất huyết não (chiếm khoảng 15-20%). Việc người bệnh được điều trị nhồi máu não kịp thời sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng cho chính người bệnh, gia đình người bệnh và toàn xã hội.

Khuyến cáo, khi có các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ não, gia đình cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

                                                   Dấu hiệu nhận biết đột quỵ não “FAST”