Đo vận tốc lan truyền sóng mạch
BS. Nguyễn Xuân Thanh
Hiện nay trên thế giới, tỷ lệ người mắc bệnh lý động mạch ngoại vi ngày càng cao. Tuy nhiên bệnh nhân thường không được phát hiện kịp thời vì đa số thường không có triệu chứng cơ năng. Khi phát hiện thường ở mức độ nặng và có nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm, hoại tử, cắt cụt chi… Việc phát hiện sớm bệnh lý động mạch ngoại vi có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cảnh báo các bệnh lý mạch vành, đột quỵ.
Xét nghiệm đo vận tốc lan truyền sóng mạch và chỉ số ABI là một xét nghiệm không xâm lấn, nhanh chóng giúp sàng lọc nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại vi (PAD).
Bệnh động mạch ngoại vi là một tình trạng mà trong đó các động mạch ở chân hoặc cánh tay bị hẹp hoặc bị tắc. Những người có bệnh động mạch ngoại vi thường có biểu hiện tuần hoàn ngoại biên kém, đau chân khi đi lại và gia tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Xét nghiệm đo chỉ số ABI so sánh huyết áp ở mắt cá chân với huyết áp ở cánh tay của người bệnh. Chỉ số ABI thấp có thể cảnh báo tình trạng hẹp hoặc tắc nghẽn các động mạch ở chân của người bệnh.
Đo chỉ số ABI không chỉ quan trọng trong chẩn đoán bệnh động mạch chi dưới mà còn đóng vai trò quan trọng trong theo dõi, đánh giá mức độ tái thông mạch máu sau can thiệp tái thông hoặc phẫu thuật bắc cầu phục hồi dòng chảy của động mạch.
1. Cách đo ABI
Có 2 kỹ thuật đo cơ bản là đo thủ công và đo bằng máy tự động. Trong phương pháp đo thủ công, huyết áp của tứ chi được đo lần lượt sau đó tính toán ra các chỉ số của từng bên. Hai vị trí vùng cổ chân cần đo là ống gót (động mạch chầy sau) và mu chân (động mạch chầy trước), giá trị huyết áp cao hơn được lấy để tính chỉ số ABI. Tương tự với các trị số huyết áp đo được ở vùng cánh tay thì cũng lấy trị giá trị cao nhất để tính ABI. Kỹ thuật đo thủ công có độ chính xác cao hơn nhưng mất thời gian đo và tính toán.
Hiện nay có nhiều máy đo ABI tự động hiện đại, chỉ cần lắp 1 lần các bộ phận đo ABI vào cổ chân và cánh tay ở cả hai bên của bệnh nhân, sau đó bấm máy. Máy đo sẽ tự động đo và tính toán chỉ số, in ra kết quả có sẵn. Đo tự động được thực hiện nhanh chóng, rút ngắn thời gian thăm khám nên rất thuận tiện trong y học thực hành.
Ngoài đo ABI ở trạng thái nghỉ thì trong những trường hợp nghi ngờ sẽ được thực hiện đo ABI gắng sức,tức là chỉ số ABI sẽ được đo ngay sau khi người bệnh thực hiện đi bộ liên tục trên máy tập với tốc độ 2 m/ph (5 km/h) trong thời gian 5 - 6 phút.
2. Những trường hợp nào cần đo ABI
2.1. Nhóm có nguy cơ cao
- Hút thuốc lá
- Tiểu đường
- Tăng huyết áp
- Tăng mỡ máu
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh động mạch ngoại vi
- Tuổi > 70
2.2. Nhóm có bệnh lý
- Sàng lọc bệnh nhân xơ vữa động mạch
- Đánh giá đau chi dưới
- Đánh giá thiếu máu chi dưới: đau cách hồi, đau khi nghỉ, loét không liền hoặc hoại tử
- Chấn thương chi dưới
- Tiên lượng bệnh lý mạch máu lan toả (hệ thống)
- Đánh giá sau can thiệp, phẫu thuật (nong, đặt stent, bypass)
3. Những trường hợp nào không được đo ABI
- Đau vùng cẳng, bàn chân dữ dội
- Huyết khối tĩnh mạch sâu
- Mạch vôi hoá, cứng, không thể ép được
4. Chuẩn bị trước khi đo ABI
Nói chung, ABI là kỹ thuật đơn giản, an toàn, không đau, không ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh. Người bệnh nên mặc quần áo rộng, thoải mái để xét nghiệm được thuận lợi hơn.
5. Ý nghĩa của chỉ số ABI
ABI |
Ý nghĩa |
Khuyến nghị |
> 1.3 |
Thành mạch cứng, thường do xơ vữa vôi hoá |
Khám chuyên khoa |
1.0 - 1.3 |
Bình thường |
Theo dõi |
0.9 - 1.0 |
Chấp nhận được (có thể có hẹp) |
Theo dõi |
0.8 - 0.9 |
Bệnh động mạch chi dưới thể nhẹ |
Điều trị các yếu tố nguy cơ |
0.5 - 0.8 |
Bệnh động mạch chi dưới thể trung bình |
Khám chuyên khoa |
< 0.5 |
Bệnh động mạch chi dưới thể nặng, có thiếu máu chi trầm trọng CLI (critical limb ischemia) |
Khám chuyên khoa |