Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) sẽ khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số Việt Nam. Với tốc độ già hóa dân số nhanh thì vấn đề chăm sóc người cao tuổi trở thành nhu cầu cấp thiết đặt ra. Hiện các dịch vụ y tế cho người cao tuổi ở Việt Nam còn hạn chế; Hệ thống nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội thiếu cả về số lượng và chất lượng. Ngay cả các cơ sở y tế khám và điều trị chuyên về người cao tuổi cũng ít và chưa đáp ứng về nhân lực.
Suốt 10 năm nay, bà Phi, định kỳ hàng tháng vẫn đi đi về về từ Nam định đến Hà Nội để tới Bệnh viện khám sức khoẻ. Vốn mang nhiều bệnh trong người, bà chỉ mong ở tỉnh có bệnh viện chuyên thăm khám cho người cao tuổi để việc đi lại, thăm khám sức khoẻ được thuận lợi hơn.
Trung bình một người cao tuổi thường mắc 3 bệnh mạn tính. Những bệnh nhân trên 80 tuổi có đến 6 bệnh phối hợp như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, Sa sút trí tuệ, đột quỵ... Với tình trạng bệnh lý và hội chứng lão khoa như vậy khiến nhu cầu chăm sóc toàn diện với đối tượng này là rất lớn.
Dù Luật người cao tuổi đã đề cập việc phải có hệ thống cơ sở y tế chăm sóc cho người cao tuổi. Thống kê cả nước có khoảng 20% các bệnh viện tỉnh có khoa lão khoa, chủ yếu tập trung ở tỉnh có dân số đông. Việc thiếu các chuyên khoa lão khoa ở cơ sở cùng nguồn nhân lực ảnh hưởng đến việc chăm sóc về sức khỏe cho người cao tuổi.
Xu hướng phát triển hiện tại cùng nhu cầu ngày càng lớn, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi đòi hỏi sự đầu tư đúng mực và vai trò dẫn dắt của các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế để tạo dựng các mô hình chuyên biệt, góp phần tạo nên xã hội khỏe mạnh bền vững.
Nguồn Truyền hình Quốc hội