Piperacillin-tazobactam có liên quan đến nguy cơ tổn thương thận cấp tính hơn so với cefepim không?
Bối cảnh:
Cefepim hoặc piperacillin-tazobactam (PTZ) thường là những kháng sinh được lựa chọn theo kinh nghiệm để điều trị cho các bệnh nhân nhập viện do nhiễm khuẩn huyết hoặc nghi ngờ nhiễm trùng. Hai thuốc này có hiệu quả điều trị tương đương nhau, do vậy việc lựa chọn cần được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên những phản ứng bất lợi tiềm tàng của chúng. PTZ có liên quan đến nguy cơ gây tổn thương thận (đặc biệt khi sử dụng phối hợp với vancomycin), tuy nhiên vấn đề này vẫn còn đang tranh cãi. Với cefepim, các phản ứng bất lợi được ghi nhận bao gồm độc tính trên thần kinh như mê sảng hoặc thay đổi mức độ nhận thức.
Phương pháp nghiên cứu:
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Vanderbilt đã thực hiện một thử nghiệm lâm sàng nhãn mở với cỡ mẫu gồm 2500 bệnh nhân người lớn được chẩn đoán mắc nhiễm khuẩn huyết hoặc nghi ngờ mắc nhiễm khuẩn nghiêm trọng. Toàn bộ người tham gia được phân nhóm ngẫu nhiên để điều trị với cefepim hoặc PTZ, theo kinh nghiệm của các bác sĩ: một trong hai loại kháng sinh đều có thể sử dụng cho mọi trường hợp. 95% bệnh nhân được điều trị ở khoa cấp cứu và 3/4 số bệnh nhân trong mỗi nhóm được điều trị phối hợp với vancomycin.
Kết quả nghiên cứu:
Sau 14 ngày điều trị, kết quả ghi nhận:
- Với tiêu chí chính là tổn thương thận cấp hoặc tử vong, tần suất xảy ra giữa hai nhóm là tương đương nhau.
- Tỷ lệ tử vong được ghi nhận không có sự khác biệt đáng kể với 7,6% ở nhóm sử dụng cefepim và 6.0% ở nhóm sử dụng PTZ.
- Mê sảng hoặc hôn mê là hai phản ứng được ghi nhận cao hơn ở nhóm cefepim (nhưng khá khiêm tốn) so với nhóm PTZ (20,8% so với 17,3%); trong đó phần lớn là mê sảng.
- Thời gian nằm viện cũng như số ngày sử dụng thuốc vận mạch hoặc thở máy không có sự khác biệt giữa hai nhóm.
Kết luận:
Không có sự khác biệt về tần suất gặp tổn thương thận cấp giữa 2 nhóm điều trị với cefepim và PTZ, tuy nhiên các phản ứng bất lợi trên thần kinh được ghi nhận phổ biến hơn ở nhóm sử dụng cefepim.
Một số lưu ý:
Thiết kế nghiên cứu nhãn mở có thể là yếu tố ảnh hưởng đến ngưỡng nhận biết dấu hiệu mê sảng trên bệnh nhân sử dụng cefepim của bác sĩ điều trị. Bên cạnh đó, thời gian điều trị trung bình với kháng sinh ở cả hai nhóm là 3 ngày và khoảng 18% bệnh nhân ở cả hai nhóm đã đổi sang kháng sinh khác trong quá trình thử nghiệm.
Nguồn: https://www.jwatch.org/na56674/2023/10/24/piperacillin-tazobactam-more-likely-cefepime-be-associated