Ngày 17 - 18/10/2019, tại Hà Nội, Bệnh viện Lão khoa Trung Ương phối hợp với Hội Lão khoa Việt Nam và Trường Đại học UC Davis (Hoa Kỳ) đã tổ chức Hội thảo Quốc gia về sa sút trí tuệ lần thứ hai. Đây là Hội thảo chính sách nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một Chương trình Quốc gia về sa sút trí tuệ đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu về sa sút trí tuệ ở Việt Nam. Tới tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo Vụ các vấn đề xã hội - Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Tổng cục dân số - Bộ Y tế, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Hội Lão khoa Việt Nam; các chuyên gia Quốc tế đến từ Hội Alzheimer Quốc tế, Đại học UC Davis và Đại học South Carolina (Hoa Kỳ), Trung tâm Hợp tác nghiên cứu về Sa sút trí tuệ của Australia, Hội đồng nghiên cứu y học - sức khỏe quốc gia Australia, Trường Đại học Nam Australia và đại biểu của các bệnh viện, các trường đại học, các viện nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội và toàn quốc.
Trong ngày đầu tiên của Hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cung cấp các thông tin cập nhật liên quan đến sa sút trí tuệ ở nhiều khía cạnh: y tế, kinh tế, xã hội và chính sách. Cùng với quá trình già hóa dân số đang gia tăng, sa sút trí tuệ ngày càng trở thành một vấn đề sức khỏe cần quan tâm đặc biệt trên thế giới và tại Việt Nam do tỷ lệ mắc bệnh tăng lên theo tuổi, ảnh hưởng trầm trọng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh, đồng thời gây ra gánh nặng cho xã hội, cho gia đình người bệnh và những người chăm sóc người bệnh.
Trên thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới đã có bản Kế hoạch hành động toàn cầu về sa sút trí tuệ giai đoạn 2017 - 2025 với 7 lĩnh vực ưu tiên thực hiện. Tại Việt Nam, Dự án can thiệp nhằm hỗ trợ người chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ tại cộng đồng, sản phẩm hợp tác giữa Bộ Y tế Việt Nam, Bệnh viện Lão khoa Trung Ương với các Trường Đại học UC Davis, Đại học South Carolina (Hoa Kỳ) và Đại học Nam Australia đã được tiến hành trong các năm qua, bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt trong cải thiện căng thẳng và gánh nặng cho người chăm sóc người bệnh, là một trong 7 lĩnh vực ưu tiên của Kế hoạch toàn cầu. Mặc dù vậy, để có thể đưa sa sút trí tuệ lồng ghép vào các chương trình hành động quốc gia hoặc trở thành một chương trình hành động riêng biệt, Việt Nam cần thiết lập hệ thống bằng chứng về tác động của sa sút trí tuệ, không chỉ về mặt sức khỏe mà còn về cả các khía cạnh kinh tế, xã hội; về mức độ quan tâm và mức độ ảnh hưởng của các bên liên quan trong việc xây dựng chính sách liên quan đến sa sút trí tuệ. Nâng cao năng lực nghiên cứu cho các nghiên cứu viên, các tổ chức, các viện nghiên cứu là nền tảng để cung cấp các bằng chứng, các kết quả hỗ trợ cho hoạch định chính sách. Mạng lưới nghiên cứu Alzheimer và sa sút trí tuệ ở Việt Nam do Bệnh viện Lão khoa Trung Ương khởi xướng với sự tài trợ của Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ, có sự tham gia của 11 trường đại học, bệnh viện và viện nghiên cứu hứa hẹn sẽ mang lại những kết quả khả quan về nâng cao năng lực nghiên cứu sa sút trí tuệ trong tương lai.
Ngày làm việc thứ hai của Hội thảo tập trung phân tích các chủ đề ưu tiên nghiên cứu trong sa sút trí tuệ với mong muốn có thể phát triển mạng lưới liên kết các viện nghiên cứu, các bệnh viện, các trường đại học về sa sút trí tuệ để tạo ra các sản phẩm có chất lượng. Khi được lựa chọn tham gia, nghiên cứu viên sẽ được hỗ trợ nâng cao năng lực trong suốt quá trình tiến hành nghiên cứu. Các thông tin chi tiết về triển khai nghiên cứu, đăng ký và nộp hồ sơ nghiên cứu đã được thông báo cụ thể tới toàn thể Hội thảo và các ứng viên.
Hội thảo cũng đã đón nhận các tham luận của các đại biểu về việc xây dựng, phát triển các mô hình phòng khám trí nhớ tại các bệnh viện; về tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo người chăm sóc, nhân viên công tác xã hội, tư vấn tâm lý, các tình nguyện viên; phát triển các mô hình chăm sóc tại cộng đồng, hỗ trợ tinh thần cho người cao tuổi, các câu lạc bộ liên thế hệ và người chăm sóc; kế hoạch phát triển bảo hiểm chăm sóc dài hạn; hướng tới tập trung cho chăm sóc ban đầu và tăng cường năng lực tuyến y tế cơ sở.
Sau hai ngày làm việc tích cực, Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp với những kết quả ban đầu nhằm tạo tiền đề cho việc vận động xây dựng chính sách và kế hoạch quốc gia về sa sút trí tuệ tại Việt Nam trong những năm tiếp theo.