Bệnh Parkinson là một bệnh thoái hóa tiến triển của hệ thần kinh trung ương, đặc trưng bởi các rối loạn vận động và các triệu chứng ngoài vận động. Bệnh xảy ra khi có sự thiếu hụt dopamine do các tế bào thần kinh chịu trách nhiệm tiết ra chất này ở vùng nhân xám bị thoái hóa, tổn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh có nhiệm vụ điều khiển và kiểm soát quá trình truyền tải thông điệp giữa các tế bào thần kinh, giúp cho các vận động của cơ thể được nhịp nhàng và linh hoạt. Hầu hết các loại thuốc điều trị Parkinson hiện nay tập trung vào việc làm tăng nồng độ chất này và khôi phục sự cân bằng giữa dopamine với các chất dẫn truyền thần kinh khác. Để giúp các bác sỹ tìm hiểu và cập nhật một số thông tin về cơ chế của các thuốc điều trị bệnh Parkinson hiện nay, ngày 10-11-2016, khoa Tâm Thần kinh tổ chức buổi sinh hoạt khoa học với chủ đề “Cơ chế điều trị bệnh Parkinson” do TS. Đỗ Phương Vịnh trình bày. BS. Vịnh đã tóm tắt sơ lược về lịch sử ra đời của các thuốc điều trị Parkinson và nhấn mạnh cơ chế tác dụng của từng nhóm thuốc. Buổi sinh hoạt khoa học đã diễn ra thành công, giúp các bác sỹ bổ sung kiến thức, áp dụng trong công việc khám chữa bệnh hàng ngày cũng như trong các hướng nghiên cứu sau này.