Kỷ cương - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Tận tâm

BÊNH VIỆN LÃO KHOA TRUNG ƯƠNG TỔ CHỨC SINH HOẠT KHOA HỌC THƯỜNG KỲ

 Chiều ngày 30 tháng 6 năm 2020, Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học thường kỳ với chủ đề “Chương trình quản lý bệnh nhân suy tim”.

 Đến dự và chủ trì buổi sinh hoạt khoa học, TS.BS Nguyễn Trung Anh - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện đã truyền đạt nhiều thông tin quan trọng, đồng thời trực tiếp trình bày bài “Kế hoạch thành lập chương trình quản lý bệnh nhân suy tim” đang triển khai tại Bệnh viện nhằm theo dõi, quản lý chặt chẽ bệnh nhân suy tim, tăng tính đồng bộ, thống nhất trong điều trị can thiệp người bệnh có bệnh lý suy tim cũng như tăng khả năng nhận thức và hướng dẫn xử trí về bệnh suy tim trong cộng đồng.

  Cũng tại  buổi sinh hoạt khoa học, Ths.Bs Hà Thị Vân Anh – Phó Trưởng khoa Khám bệnh đã có bài báo cáo “Quy trình hoạt động của chương trình Quản lý bệnh nhân suy tim”.

  Bệnh lý về tim mạch nói chung trong đó có suy tim đang là một trong những vấn đề được xã hội quan tâm hàng đầu hiện nay. Với sự già hóa dân số diễn ra nhanh cùng với ảnh hưởng tiêu cực về lối sống, áp lực công việc...nên tỷ lệ mắc suy tim liên tục tăng trong những thập kỷ qua và tiên lượng sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

  Mặc dù các khuyến cáo trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng suy tim vẫn liên tục được cập nhật bổ sung cùng với các phương pháp điều trị mới không ngừng cải tiến, nhưng số lượng bệnh nhân suy tim trong cộng đồng vẫn chiếm một tỷ lệ đáng kể; trong đó một số lượng khá lớn bệnh nhân chưa được chẩn đoán kịp thời. Vẫn còn có những bệnh nhân dù đã được chẩn đoán suy tim nhưng chưa được điều trị một cách đúng đắn dẫn đến tỷ lệ nhập viện và tái nhập viện còn cao. Tỷ lệ tử vong do suy tim vẫn đang là con số đáng báo động.

   Với những lý do trên, chương trình Quản lý bệnh nhân suy tim của Bệnh viện Lão khoa Trung ương được xây dựng và triển khai với mục tiêu:

  1. Nâng cao chất lượng và hiệu quả trong điều trị bệnh nhân suy tim.
  2. Cải thiện sự tuân thủ của bệnh nhân.
  3. Cải thiện triệu chứng và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
  4. Giảm tần suất nhập viện do suy tim của bệnh nhân.
  5. Cải thiện tỷ lệ sống còn của bệnh nhân.
  6. Giảm chi phí y tế tổng thể.