PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO NGƯỜI BỆNH SA SÚT TRÍ TUỆ
- Sa sút trí tuệ là một hội chứng lâm sàng đặc trưng bởi suy giảm chức năng nhận thức, thay đổi về hành vi và mất các chức năng xã hội thường gặp ở người cao tuổi, là nguyên nhân chính dẫn đến tàn tật và tử vong ở đối tượng này. Trên thế giới, cứ mỗi 3 giây sẽ có thêm 1 người mắc sa sút trí tuệ. Là một trong số 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới nên số lượng người cao tuổi mắc sa sút trí tuệ trong cộng đồng tại Việt Nam ngày càng tăng.
- Hội chứng Sa sút trí tuệ gồm các giai đoạn:
+ Giai đoạn nhẹ: Giảm trí nhớ ngắn hạn; không nhớ vị trí để đồ cá nhân; khó khăn khi: lái xe, quản lý nhà cửa, tiền bạc; dễ nóng giận; dễ kích động hơn…
+ Giai đoạn vừa: Khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày như: tắm rửa, vệ sinh cá nhân, mặc quần áo; xuất hiện hoang tưởng, kích động, lú lẫn,…
+ Giai đoạn nặng: Người bệnh mất khả năng tự sinh hoạt hàng ngày, phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc: ăn, uống, đi lại, vệ sinh cá nhân, nằm liệt giường, đối mặt nguy cơ suy dinh dưỡng, viêm phổi hít, loét tỳ đè, tử vong,…
Hội chứng sa sút trí tuệ có thể trở thành gánh nặng đối với cả người bệnh và gia đình người bệnh. Với người bệnh, họ cảm thấy cuộc sống nặng nề, chất lượng cuộc sống sụt giảm nghiêm trọng do phải phụ thuộc vào người chăm sóc. Với gia đình người bệnh, họ có thể cảm thấy căng thẳng cả về tinh thần, thể chất và kinh tế. Chứng sa sút trí tuệ không thể đảo ngược và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm, can thiệp bằng các biện pháp dùng thuốc, không dùng thuốc và phục hồi chức năng kịp thời sẽ giúp người bệnh duy trì sự độc lập, sống tốt trong nhiều năm.
xem thêm