Kỷ cương - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Tận tâm

Sinh thiết tuyến tiền liệt

Sinh thiết tuyến tiền liệt

Sinh thiết tuyến tiền liệt là gì?

Sinh thiết là thủ thuật lấy một số mảnh tổ chức mô tuyến tiền liệt đem phân tích tế bào học bằng kính hiển vi nhằm xác định tổ chức đó là lành tính hay ung thư ác tính.

Tại sao phải làm sinh thiết tuyến tiền liệt?

Việc sinh thiết tuyến tiền liệt được thực hiện khi bác sỹ tiết niệu khi nghi ngờ sự có mặt tổ chức ung thư tại tuyến tiền liệt của bạn dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng và trên các kết quả xét nghiệm bổ trợ.

Cần chuẩn bị như thế nào để sinh thiết tuyến tiền liệt?

Bác sỹ chuyên khoa sẽ sinh thiết tuyến tiền liệt bằng cách đưa dụng cụ sinh thiết qua đường hậu môn trực tràng. Vì thế, trước khi sinh thiết, bệnh nhân cần uống thuốc hoặc thụt tháo (do bác sỹ kê đơn) để đi ngoài sạch.

Trước khi sinh thiết, bệnh nhân cũng sẽ được làm xét nghiệm để đánh giá tình trạng chảy máu, đông máu.

Bệnh nhân được sử dụng kháng sinh dự phòng để phòng tránh nhiễm khuẩn sau sinh thiết.

Quá trình sinh thiết tuyến tiền liệt như thế nào?

Việc sinh thiết được tiến hành sau khi gây tê tại chỗ hoặc gây mê tĩnh mạch nếu sinh thiết tuyến tiền liệt nhiều mảnh.

Bác sỹ sẽ đưa qua lỗ hậu môn của bệnh nhân một đầu dò siêu âm, trên đầu dò có bộ phận gắn kim và súng sinh thiết. Quan sát trên màn hình siêu âm, có thể thấy vùng tổ chức sẽ sinh thiết, các vị trí sẽ được ưu tiên sinh thiết, đường đi của kim sinh thiết lấy tổ chức.

Các mảnh tổ chức đó sẽ được phân tích dưới kính hiển vi nhằm xác định bản chất là lành tính hay ung thư ác tính.

Sau sinh thiết, bệnh nhân sẽ được đặt 1 tấm gạc dài trong trực tràng trong 4h để hạn chế chảy máu. Khi đặt gạc, bệnh nhân có thể khó chịu, có cảm giác mót đại tiện, cảm giác này sẽ hết khi rút gạc.

Có thể gặp phải những vấn đề nào sau khi sinh thiết?

- Sau sinh thiết, có thể hay gặp một số vấn đề như: cảm giác đau nhẹ (sẽ giảm dần và hết sau vài giờ), cảm giác mót đại tiện, đi ngoài ra phân dính máu đông hoặc chút máu tươi (sẽ giảm dần và hết trong vòng 36h đầu).

- Một số biến chứng ít gặp: đái máu, chủ yếu khi sinh thiết nhiều mảnh; bí tiểu (không đái được mặc dù rất mót tiểu, có thể giải quyết bằng đặt sonde tiểu); nhiễm trùng.

Hãy thông báo cho các bác sỹ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Hình ảnh mô tả sinh thiết tuyến tiền liệt qua đường trực tràng dưới hướng dẫn của siêu âm